Louis Braille – Cha đẻ hệ thống chữ Braille | Bảng chữ nổi cho người mù

Khi cuộc đời giáng xuống đầu bạn một tai họa khủng khiếp, bạn sẽ phản ứng ra sao? Khi số phận biến Louis Braille trở thành kẻ mù lòa vĩnh viễn, cậu bé đã trở thành người thắp sáng cuộc đời của chính mình và những người khiếm thị. Hãy cùng tìm hiểu về cuộc đời của nhân vật vĩ đại này trong bài viết sau đây nhé!

Cuộc đời của Louis Braille

Louis Braille (4/1/1809 – 6/1/1852) sinh ra tại Coupvray, một ngôi làng nhỏ cách thủ đô Paris khoảng 30 cây số về phía Đông. Ông là con út trong gia đình có 4 người con, cha ông là thợ làm đồ da.

Chân dung của vĩ nhân Louis Braille
Chân dung của vĩ nhân Louis Braille

Vào năm 1812, trong xưởng làm việc của cha, ông đã bị một vật nhọn đâm vào làm hỏng mắt trái. Do sự thiếu hiểu biết về vấn đề vệ sinh và điều kiện y tế thời đó nên ít lâu sau mắt phải của ông cũng bị nhiễm trùng và hỏng nốt. Kể từ đó, cậu bé Braille phải sống trong bóng đêm vĩnh viễn.

Tuy bị mù nhưng cậu bé cho thấy sự khéo tay và sáng tạo thiên bẩm của mình. Cha mẹ của Braille đã hết lòng chăm lo cho đứa con bất hạnh của mình. Họ đã gửi cậu theo học ngôi trường dành cho người khuyết tật.

Năm 1819 khi cậu tròn 10 tuổi, cha mẹ đã xin được học bổng của trường Hoàng gia dành cho người khiếm thị trẻ (Institution Royale des Jeunes Aveugles) tại Paris.

Tuy nhiên, điều kiện sống và sinh hoạt tại đây vô cùng hà khắc về vật chất lẫn tinh thần. Môi trường ẩm thấp, thiếu ánh sáng và không khí trong lành chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh lao đã cướp đi mạng sống của ông sau này.

Tại trường, Braille và các học sinh được dạy các kỹ năng cơ bản dành cho người khiếm thị cũng như học nhạc và một số vật dụng thủ công. Ông tỏ rõ thiên phú âm nhạc với tài năng chơi đàn cello, piano nổi tiếng và được đi trình diễn tại nhiều nhà thờ trên khắp nước Pháp.

 

 

Sự ra đời của hệ thống chữ Braille – chữ nổi cho người khiếm thị

Thầy giáo, bác sĩ Guillié chính là người dạy đọc cho các học sinh trong trường. Trong trường chỉ có 14 cuốn sách và dĩ nhiên Braille đã đọc hết tất cả. Tuy nhiên, kiểu chữ này rất khó đọc đối với người khiếm thị vì họ hầu như không thể viết. Thời bấy giờ tại Paris chỉ có 4 người khiếm thị có thể đọc thành thạo kiểu chữ này.

Điều này đã thôi thúc cậu bé 12 tuổi Louis Braille sáng tạo nên một loại chữ viết dành riêng cho người khiếm thị và cậu đã hoàn thiện vào năm 15 tuổi. Đó chính là tiền thân của chữ nổi Braille.

Louis Braille sáng tạo chữ viết dành riêng cho người khiếm thị
Louis Braille sáng tạo chữ viết dành riêng cho người khiếm thị

Phát minh này dựa trên ý tưởng từ hệ thống chữ viết 12 chấm của đại úy Barbier dùng để trao đổi mệnh lệnh trong quân đội vào ban đêm.

Louis Braille hiểu rằng, để người khiếm thị dễ đọc thì mỗi chữ cái phải được ký hiệu đơn giản và dễ dàng nhận biết bằng một đầu ngón tay. Hệ thống chữ Braille được hình thành dựa trên các ô hình chữ nhật, mỗi ô bao gồm 6 chấm xếp thành 3 hàng, 2 cột theo thứ tự từ 1 đến 6. Ông đã cải tiến thành công hệ thống chữ nổi chỉ với 6 chấm nổi nhỏ gọn trên giấy, gói gọn hết bảng chữ cái cũng như ký hiệu toán học, nhạc lý.

Năm 1828, ông được nhận làm trợ giảng và sau này trở thành thầy giáo tại trường. Ông dạy nhiều môn như văn phạm, địa lý, lịch sử, số học, hình học, đàn piano, cello… và được học sinh vô cùng kính trọng.

Cuốn sách đầu tiên của ông bằng chữ Braille ra đời vào năm 1829 với tên gọi “Phương pháp viết chữ, bài nhạc bằng các dấu chấm dành cho người khiếm thị”.

Bắt đầu từ năm 1830, ông xuất hiện các triệu chứng của bệnh lao phổi khiến công việc giảng dạy của ông bị gián đoạn. Đến năm 1840, ông chỉ còn giảng dạy âm nhạc.

Năm 1839, hệ thống chữ nổi Braille đã phổ biến rộng rãi đến công chúng. Sau đó, ông cùng với bạn mình là Pierre Foucault đã chế tạo ra một thiết bị hỗ trợ việc viết chữ Braille dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Hệ thống chữ nổi Braille theo phiên âm tiếng Anh
Hệ thống chữ nổi Braille theo phiên âm tiếng Anh

Vào đầu tháng 12/1851, sau một trận thổ huyết nặng, sức khỏe ông yếu dần và qua đời vào ngày 6/1/1852, khi vừa tròn 43 tuổi. Louis Braille được chôn cất tại Coupvray theo yêu cầu của gia đình.

Kể từ năm 1854, hệ thống chữ Braille được chính thức đưa vào giảng dạy tại các trường khiếm thị trên khắp nước Pháp và bắt đầu du nhập vào các quốc gia khác trên thế giới.

Phải đến một thế kỷ sau vào năm 1952, thi hài của ông mới được cải táng và đưa đến điện Panthéon tại Paris. Tại đây ông sẽ được yên nghỉ bên cạnh những vĩ nhân nổi tiếng của nước Pháp. Đó là sự ghi nhận và vinh danh cho những đóng góp vĩ đại của ông đối với nước Pháp và nhân loại.

Louis Braille yên nghỉ tại điện Panthéon danh giá
Louis Braille yên nghỉ tại điện Panthéon danh giá

 

 

Trên đây là tóm tắt về cuộc đời của Louis Braille. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết đã tiếp thêm động lực cho mỗi chúng ta biết cách vượt qua nghịch cảnh để thay đổi cuộc đời của chính mình!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *