Hoàn công – một trong những thủ tục hành chính bắt buộc sau khi hoàn thiện xong nhà ở hay công trình xây dựng khác. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ hoàn công là gì? Bản vẽ hoàn công là gì? Thủ tục? Chi phí hoàn công? Tất cả những vấn đề này sẽ được chúng tôi giải đáp ngay sau đây!
Hoàn công là gì?
Khái niệm
Hoàn công hay hoàn công xây dựng có thể hiểu là một thủ tục hành chính trong hoạt động xây dựng, được thực hiện sau khi mà bên thi công hoặc là bên đầu tư xác nhận đã hoàn thành xây dựng công trình có nghiệm thu và giấy phép xây dựng.
Hoàn công thể hiện cấu trúc, hiện trạng những thay đổi trong thi công và cũng là điều kiện để được cấp sổ hồng sau này.
Vai trò
Trên thực tế thì nhiều chủ nhà hay chủ đầu tư chỉ chú ý đến phần cấp phép xây dựng, thiết kế cũng như thi công mà quên mất đi công đoạn hoàn công sau cùng để căn nhà được hoàn tất các thủ tục về mặt pháp lý. Thủ tục hoàn công có vai trò quan trọng đối với chủ nhà hay nhà đầu tư bởi:
- Được Nhà nước công nhận về tính pháp lý: Hoàn công chứng nhận rằng công trình xây dựng đúng theo giấy phép xây dựng, đạt đầy đủ điều kiện về xây dựng và chấp hành theo quy hoạch sử dụng đất. Công trình đảm bảo sự an toàn và chấp hành các luật về xây dựng.
- Giúp công nhận giá trị của tài sản nhà gắn liền với đất, thuận lợi hơn trong việc định giá tài sản. Ngoài ra, giá trị được đánh giá cao, thuận lợi trong việc vay vốn ở ngân hàng.
- Được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cùng với các quyền có liên quan đến nhà ở như: thế chấp, sang nhượng hay thừa kế…
- Nếu như không hoàn công thì sẽ bị thiệt hại khi Nhà nước thực hiện quy hoạch, giải tỏa…
Vì vậy mà việc chấp hành theo như quy định của Nhà nước về việc đăng ký hoàn công chính là quyền lợi và nghĩa vụ của chủ nhà hay các nhà đầu tư trong việc bảo vệ giá trị tài sản nhà ở, công trình xây dựng.
Đơn vị tham gia
Các đơn vị tham gia nghiệm thu và xác nhận việc hoàn thiện công trình xây dựng nhà cửa bao gồm:
- Chủ đầu tư: Tổ chức việc nghiệm thu, cùng chịu trách nhiệm về chất lượng của công trình xây dựng; đảm bảo việc ký kết trong biên bản cũng như giấy tờ nghiệm thu. Hoặc sẽ trực tiếp liên hệ với bên tư vấn thiết kế để làm lại bản vẽ khi mà công trình có sự thay đổi so với cấp phép ban đầu.
- Đơn vị thi công: Đây chính là đơn vị trực tiếp thi công xây dựng và hoàn thiện từng giai đoạn xây dựng công trình. Từ khi bắt đầu làm nền móng cho đến khi xây dựng hoàn thiện, thu dọn công trường, lập bản vẽ cùng với các giấy tờ, chứng từ có liên quan đến việc nghiệm thu và bàn giao công trình. Đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, tham gia ký kết nghiệm thu hoàn công và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ như trong hợp đồng xây dựng đã lập.
- Đơn vị tư vấn, giám sát xây dựng (nếu có): Đây là đơn vị có trách nhiệm chính trong việc tư vấn, kiểm tra cũng như giám sát thường xuyên trong suốt quá trình thi công, nghiệm thu và bàn giao. Đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công công trình theo như bản vẽ thiết kế hay hợp đồng xây dựng giữa các bên. Ngoài ra, đơn vị này cũng tham gia vào việc kiểm tra và ký xác nhận bản vẽ hoàn công công trình xây dựng.
- Đơn vị thiết kế công trình: Tham gia việc nghiệm thu công trình theo như yêu cầu của chủ đầu tư. Ngoài bản vẽ trước đó thì đơn vị thiết kế còn phải lập lại bản vẽ theo đúng thực tế (trong trường hợp có sự thay đổi về công trình xây dựng so với cấp phép ban đầu).
Bản vẽ hoàn công là gì?
Bản vẽ hoàn công chính là bản vẽ chi tiết bộ phận của công trình xây dựng. Bản vẽ hoàn công hiểu đơn giản là loại bản vẽ thể hiện đúng tình trạng thực tế của ngôi nhà sau khi đã xây dựng xong.
Cũng giống như bản vẽ thiết kế, bản vẽ hoàn công cũng có đầy đủ các hạng mục. Tuy nhiên, nó sẽ phản ánh chính xác sự thay đổi của công trình về công năng, kích thước… so với thiết kế ban đầu.
Bản vẽ hoàn công chính là giấy tờ hướng dẫn để chủ đầu tư khai thác sử dụng. Đồng thời nó còn giúp các cơ quan có thể xác nhận và nắm được đầy đủ cấu trúc hay thực trạng ban đầu của công trình. Do đó mà bản vẽ hoàn công được xem là loại giấy tờ khá quan trọng và cần thiết. Mục đích chính là để đảm bảo được việc khai thác và sử dụng đúng với thực tế của công trình, qua đó cũng có được các biện pháp sửa chữa sao cho phù hợp.
Thủ tục và chi phí hoàn công nhà ở là bao nhiêu?
Thủ tục hoàn công nhà ở
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ hoàn công nhà ở bao gồm có các loại giấy tờ như sau:
- Giấy phép xây dựng nhà ở.
- Hợp đồng xây dựng (giữa chủ nhà hay nhà đầu tư với bên thi công).
- Báo cáo kết quả xây dựng.
- Hồ sơ thiết kế bản vẽ thiết kế xây dựng.
- Báo cáo kết quả thẩm tra hay thẩm định thiết kế bản vẽ thi công xây dựng.
- Bản vẽ hoàn công (trong trường hợp có thay đổi trong quá trình xây dựng): Cần phải nêu rõ về vị trí, kích thước cũng như việc sử dụng vật liệu, thiết bị.
- Báo cáo kết quả thí nghiệm hay kiểm định (nếu có).
- Văn bản xác nhận của cơ quan chức năng, tổ chức có liên quan (nếu có) về an toàn phòng cháy, chữa cháy hoặc là an toàn hoạt động thang máy.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Hồ sơ hoàn công nhà ở sẽ được nộp tại UBND các cấp quận/huyện/xã quản lý vị trí đất ở.
Bước 3: Nhận và kiểm tra hồ sơ
Sau khi tiếp nhận thì cơ quan chức năng sẽ thực hiện kiểm tra tính đầy đủ và tính pháp lý của hồ sơ.
Nếu như công trình đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định thì giấy chứng nhận hoàn công sẽ được cấp. Còn nếu như hồ sơ thiếu hay giấy tờ không hợp lệ thì chủ đầu tư sẽ được hướng dẫn bổ sung và chỉnh sửa.
Chi phí hoàn công nhà ở
Thông thường thì chi phí hoàn công nhà ở riêng lẻ sẽ bao gồm có:
- Thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng
Căn cứ theo Thông tư 92/2015/TT-BTC và Công văn 3700/TCT/DNK thì chủ thầu xây dựng sẽ có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng.
Thực tế cho thấy chủ thầu thường không nộp hay nộp không đúng, không đủ nên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thường sẽ không giải quyết thủ tục hoàn công cho chủ nhà nếu như chủ nhà không nộp thay cho chủ thầu khoản thuế này.
Theo đó thì mức thuế suất đối với thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp này sẽ là 5% trên doanh thu. Còn thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ là 2% trên doanh thu.
- Chi phí lập bản vẽ hoàn công
Khoản chi phí này thì sẽ do chủ nhà và bên thực hiện dịch vụ thỏa thuận, quyết định. Chi phí này sẽ tùy thuộc vào mức độ phức tạp của công trình, diện tích xây dựng…
Lưu ý: Theo khoản 11 Điều 10 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP thì nhà ở riêng lẻ thuộc trường hợp đó là được miễn thuế trước bạ.
Một số khái niệm liên quan đến “hoàn công”
Giấy hoàn công là gì?
Giấy hoàn công hay là sổ hồng hoàn công chính là giấy tờ thể hiện công trình đã thực hiện thủ tục hành chính về hoàn công xây dựng. Sau khi đã thực hiện thủ tục hoàn công thì trên sổ hồng này sẽ có thông tin về công trình nhà ở nên còn được gọi là sổ hồng hoàn công.
Hồ sơ hoàn công là gì?
Hồ sơ hoàn công chính là tất cả những tài liệu, lý lịch hoặc là nhật ký lưu lại, ghi lại trong quá trình xây dựng công trình bao gồm có: Phê duyệt đầu tư, phê duyệt dự án hay việc khảo sát xây dựng, thiết kế công trình, dự toán chi phí, thi công công trình cùng với các quá trình khác (nếu có). Nói cách khác, tất cả các hồ sơ và tài liệu có liên quan đến quá trình xây dựng nên một công trình từ a – z thì được gọi là hồ sơ hoàn công.
Nhà chưa hoàn công là gì?
Nhà chưa hoàn công hiểu đơn giản là nhà ở chưa thực hiện thủ tục nghiệm thu. Từ đó chưa xác nhận việc các bên đầu tư, thi công đã hoàn thành nhà ở sau khi được cấp giấy phép xây dựng.
Có thể bạn quan tâm:
Gia công là gì? Phân biệt gia công và sản xuất khác nhau như thế nào?
Trên đây là những thông tin liên quan đến hoàn công là gì và bản vẽ hoàn công là gì. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn hoàn thành thủ tục hoàn công một cách suôn sẻ hơn để tránh những rắc rối không đáng có sau này.