Máy sấy khí là thiết bị được dùng khá phổ biến trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất và trong đời sống. Tuy nhiên vẫn có nhiều người không biết rõ công dụng cũng như nguyên lý máy sấy khí nén là gì, sử dụng làm sao để hiệu quả. Bài viết sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý bạn đọc những thông tin cơ bản về máy sấy khí để bạn tham khảo.
Máy sấy khí nén là gì?
Máy sấy khí là một thiết bị quan trọng không thể thiếu trong hệ thống máy nén khí. Máy sấy khí được sử dụng trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất lớn bé với vai trò cung cấp nguồn không khí khô, sạch cho máy nén khí để phục vụ cho các công đoạn sản xuất, chế tạo,…
Máy sấy khí nén là loại máy chuyên dụng trong việc loại bỏ hơi nước và các tạp chất lẫn lộn trong nguồn khí, giúp tạo ra lượng lớn khí nén khô và sạch trước khi được đưa vào hệ thống ống dẫn để sử dụng. Khí nén vẫn còn đọng lại hơi nước chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hư hỏng, gỉ sét của các thiết bị hạ lưu. Đồng thời bụi bẩn và các tạp chất như dầu lẫn trong nguồn khí nén sẽ làm ô nhiễm các sản phẩm như thực phẩm, dược phẩm, làm hỏng thiết bị và các lô sản phẩm đổ nát. Vậy nên cần phải dùng đến máy sấy khí để đảm bảo chất lượng công việc.
Phân loại máy sấy khí nén
Có nhiều cách để phân loại máy sấy khí như dựa vào công suất điện, áp lực làm việc hoặc lưu lượng nén khí. Qua các thông số này người mua có thể phân chia máy sấy khí thành các loại có khả năng đáp ứng cho hệ thống máy nén khí nhỏ, vừa hay lớn.
Tuy nhiên hiện nay máy sấy khí nén thường được phân chia thành 2 loại chính dựa vào nguyên lý hoạt động của chúng. Hai loại máy sấy khí cơ bản bao gồm máy sấy khí tác nhân lạnh và máy sấy khí kiểu hấp thụ.
Máy sấy khí tác nhân lạnh
Loại máy này có thiết kế hình hộp chữ nhật, có khả năng sấy khô và làm sạch không khí đến 95% nên thường được sử dụng trong các lĩnh vực sản xuất cơ bản.
Máy sấy khí tác nhân lạnh có các bộ phận cơ bản sau đây:
- Lốc máy nén: Có nhiệm vụ nén gas lạnh tuần hoàn bên trong hệ thống.
- Giàn nóng: Giúp giải nhiệt của gas ra môi trường xung quanh đồng thời hạ thấp nhiệt độ của nguồn khí nén đầu vào.
- Giàn lạnh: Giúp trao đổi nhiệt với khí nén đồng thời giữ nước để xả ra ngoài qua van xả nước tự động.
- Van bypass: Đóng vai trò điều tiết lượng gas hồi về lốc nén để lốc nén không bị quá nóng khi hoạt động.
- Van tiết lưu hoặc dây xoắn: Đóng vai trò điều chỉnh lưu lượng môi chất phù hợp với tải lạnh nhằm đảm bảo mức độ quá tải nhiệt.
- Quạt làm mát: Để giải nhiệt cho giàn nóng.
- Bộ phận lọc gas: Dùng để lọc sạch những cặn bẩn lẫn trong khí gas.
- Bộ phận cảm biến nhiệt độ, công tắc áp suất: Giúp thông báo tín hiệu và hiển thị thông số lên bảng điều khiển.
Máy sấy khí kiểu hấp thụ
Máy sấy khí kiểu hấp thụ được thiết kế thành hai bình chứa giống nhau, có khả năng loại bỏ hoàn toàn hơi nước và tạp chất ra khỏi nguồn khí nén. Vì vậy loại máy này được dùng trong các lĩnh vực có yêu cầu cao về chất lượng khí nén như chế biến thực phẩm, y tế, dược phẩm.
Các bộ phận chính của dòng máy sấy khí kiểu hấp thụ là:
- Van giảm âm
- Van điện từ: Gồm hai van ở hai tháp. Một van để nguồn khí vào để làm khô. Một van dùng để điều khiển xả nước.
- Van một chiều: Gồm hai van. Một có nhiệm vụ đưa khí đã làm khô đi qua, van còn lại để đưa khí nóng tái sinh đi qua.
- Bình hút ẩm: Là bộ phận chứa đầy chất hút ẩm dùng để làm khô khí.
- Bộ điều khiển và các cảm biến đo độ ẩm: Dùng để đo nhiệt độ giúp cho quy trình hoạt động chính xác nhất.
Nguyên lý máy sấy khí nén
Nguyên lý máy sấy khí nén tác nhân lạnh
Nhìn chung máy sấy khí nén tác nhân lạnh có cách thức hoạt động giống như một chiếc tủ lạnh. Dòng không khí thông qua đường khí nén sẽ đi vào máy sấy khí nhờ áp lực, nhiệt độ và độ ẩm cao. Luồng khí này sẽ đi qua giàn trao đổi nhiệt để được làm mát sơ bộ.
Sau khi làm mát, khí nén sẽ đi qua giàn trao đổi nhiệt khí nén với khí gas lạnh. Tại đây chúng chuyển động đảo chiều trong các ống dẫn môi chất gas lạnh ở mức nhiệt độ hóa sương khoảng từ 2 đến 6 độ C. Mục đích của giai đoạn này là để làm ngưng tụ hơi nước lẫn trong khí.
Sau khi hơi nước ngưng tụ, các tạp chất gồm nước, dầu, bụi bẩn sẽ được tách khỏi dòng khí và đi ra ngoài qua van xả nước tự động. Lúc này về cơ bản nguồn khí đã được làm sạch và khô, tuy nhiên vẫn đang trong tình trạng nhiệt độ thấp. Do đó khí sẽ được đi qua giàn trao đổi nhiệt khí nén với khí gas nóng để nâng nhiệt độ lên mức từ 6 đến 8 độ C. Kết thúc giai đoạn này, nguồn khí nén đã hoàn toàn được sấy khô và làm sạch, sẵn sàng để phục vụ mọi công việc.
Nguyên lý hoạt động máy sấy khí nén kiểu hấp thụ
Khác với máy tác nhân lạnh, nguyên lý máy sấy khí nén kiểu hấp thụ chính là dùng các hạt hút ẩm như gel silica và alumina để làm khô nguồn khí.
Nguyên lý hoạt động của máy sấy khí nén kiểu hấp thụ như sau:
Máy sấy khí kiểu hấp thụ có cấu tạo bởi hai tháp giống nhau được gọi là tháp A và tháp B chứa đầy chất hút ẩm và nhiệm vụ của mỗi tháp chính là: Tháp A được dùng để làm khô khí nén, tháp B dùng để tái sinh khí nén.
Trong suốt quá trình làm việc hai tháp sẽ hoạt động trong chu trình thực hiện luân phiên nhau. Khi tháp A đạt trạng thái bão hòa nghĩa là các hạt hút ẩm không còn khả năng hút nước nữa thì tháp B sẽ lập tức hoạt động để tái sinh chất làm khô.
Khi các chất hút ẩm đã được tái sinh, van xả số 4 được đóng lại cho áp suất của tháp B tăng dần và đạt đến áp suất chuẩn để làm việc. Sau khi van số 1 tự động đóng lại, đồng thời các van số 2 và van số 3 được mở ra thì tháp A sẽ được tiếp tục thực hiện chu trình sau tái sinh. Quá trình vận hành cứ diễn ra liên tục và luân phiên như vậy để tạo ra nguồn khí nén khô và sạch phục vụ cho công việc.
Trên đây là toàn bộ bài viết về nguyên lý máy sấy khí nén chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn, hy vọng có thể giúp bạn nắm rõ cấu tạo và cách thức vận hành của từng loại máy sấy khí. Từ đó có thể đưa ra quyết định mua máy sấy khí phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của công việc.