Nhãn hiệu và thương hiệu là gì? Phân biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu

Thương hiệu và nhãn hiệu là hai khái niệm thường bị dùng sai do người nói, người viết, người nghe chưa thể nắm hết được ý nghĩa của chúng. Vậy thì nhãn hiệu và thương hiệu là gì? Làm thế nào để có thể phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu? Cùng tìm hiểu trong bài viết này với muahangdambao.com để có câu trả lời cụ thể nhất nhé!

Tìm hiểu khái niệm thương hiệu và nhãn hiệu là gì?

Trước khi đi sâu vào phân biệt thương hiệu và nhãn hiệu thì chúng ta cần nắm được định nghĩa thương hiệu và nhãn hiệu là gì.

Thương hiệu nghĩa là gì?

Thương hiệu được định nghĩa là một ký tự, một cái tên, thuật ngữ hoặc là bất cứ dấu hiệu nào giúp mọi người nhận thức về công ty, sản phẩm hoặc một cá nhân nào đó. 

Thương hiệu vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp
Thương hiệu vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp

Thương hiệu cũng được xem là tài sản vô hình của 1 doanh nghiệp hoặc cá nhân. Thương hiệu có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp đứng vững và tồn tại trên thị trường đầy biến động.

Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ thì cho rằng: “Thương hiệu là một cái tên, một thuật ngữ, thiết kế, ký hiệu hoặc bất cứ đặc điểm nào khác để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của người bán này với những người bán khác trên thị trường”.

Nhãn hiệu nghĩa là gì?

Nhãn hiệu trong tiếng Anh là “trademark”, đó là những chữ cái, ký tự, dấu hiệu riêng biệt thuộc về quyền sở hữu của mỗi doanh nghiệp, tổ chức để phân biệt với những doanh nghiệp, tổ chức khác. 

Nhãn hiệu thường sẽ là tên của thương hiệu, tên sản phẩm của doanh nghiệp. Ví dụ một số nhãn hiệu nổi tiếng mà hầu hết ai cũng đều biết đến là Apple, Samsung, KFC, BMW, Grab, Marvel, Disney,…

Nhãn hiệu Marvel nổi tiếng với các tựa phim về siêu anh hùng
Nhãn hiệu Marvel nổi tiếng với các tựa phim về siêu anh hùng

Pháp luật Việt Nam cũng đã đưa ra khái niệm tổng quát về nhãn hiệu. Theo khoản 16 điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và khoản 2 điều 1 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi vào năm 2009 thì: “Nhãn hiệu chính là dấu hiệu để nhận biết, phân biệt hàng hóa, dịch vụ của những tổ chức hay cá nhân khác nhau. Để có thể chính thức sở hữu một nhãn hiệu thì doanh nghiệp, tổ chức sẽ phải thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu theo đúng quy định của Pháp luật”.

Cho ví dụ về thương hiệu và nhãn hiệu

*Thương hiệu doanh nghiệp

– Công ty Unilever, đây là tập đoàn đa quốc gia lớn chuyên sản xuất các mặt hàng về hàng tiêu dùng.

– Tập đoàn Viettel là tập đoàn số 1 về viễn thông tại Việt Nam hiện nay với độ phủ sóng cao.

– Tập đoàn Vingroup được xem là tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam khi đầu tư đa lĩnh vực.

– Bia Sài Gòn, một thương hiệu bia đã có từ lâu đời và cực kỳ  nổi tiếng tại Việt Nam.

*Nhãn hiệu của các sản phẩm hoặc dịch vụ

Các nhãn hiệu hiện tại của tập đoàn VinGroup
Các nhãn hiệu hiện tại của tập đoàn VinGroup

– Công ty Unilever lại có các thương hiệu sản phẩm nổi tiếng như kem đánh răng P/S, Closeup, dầu gội đầu Clear, Sunsilk, sữa tắm Dove,…

– Tập đoàn VinGroup hiện đang sở hữu rất nhiều các thương hiệu nổi tiếng như:

+ VinHomes (thương hiệu bất động sản vô cùng cao cấp).

+ VinFast (thương hiệu ô tô cao cấp đầu tiên Việt Nam).

+ VinPearl (thương hiệu dịch vụ chuyên về du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí 5 sao).

+ VinCom (hệ thống trung tâm thương mại nổi tiếng).

+ VinMec (chuỗi hệ thống bệnh viện đạt tiêu chuẩn của quốc tế).

– Công ty bia Sài Gòn có những sản phẩm nổi tiếng như là:

+ Bia Saigon Special loại 330ml.

+ Bia Saigon Export.

+ Bia 333.

Một thương hiệu tốt thường sẽ để lại ấn tượng tốt đối với người tiêu dùng. Đó cũng là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trên thị trường hiện nay.

Vậy thì sự khác biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu là gì?

Nhãn hiệu và thương hiệu khác nhau ở những phương diện như sau:

Về phương diện pháp lý

Ở góc độ pháp lý thì việc sử dụng thuật ngữ nhãn hiệu hàng hóa là đúng như trong quy định của pháp luật Việt Nam nhưng nếu xét ở góc độ quản trị doanh nghiệp thì người ta sẽ sử dụng thuật ngữ thương hiệu nhiều hơn.

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng chưa có định nghĩa cụ thể về thương hiệu mà chỉ đưa ra khái niệm về nhãn hiệu, do đó chỉ có nhãn hiệu mới là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Sự khác nhau giữa thương hiệu và nhãn hiệu được thể hiện qua nhiều phương diện
Sự khác nhau giữa thương hiệu và nhãn hiệu được thể hiện qua nhiều phương diện

Vì chỉ có nhãn hiệu mới là đối tượng của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam nên những nhãn hiệu mới được các cơ quan quản lý Nhà nước công nhận và bảo hộ còn các thương hiệu là kết quả phấn đấu lâu dài của doanh nghiệp và người tiêu dùng chính là những người công nhận.

Về phương diện vật chất

– Nhãn hiệu là thuật ngữ pháp lý được dùng trong lĩnh vực pháp luật và là 1 đối tượng của sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu cũng được xác lập khi chủ sở hữu làm các thủ tục đăng ký nhãn hiệu (trừ các nhãn hiệu nổi tiếng) và được Cục sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ.

– Thương hiệu là thuật ngữ được dùng dưới góc độ quản trị doanh nghiệp và marketing. Không giống như nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ thì thương hiệu lại không phải là đối tượng được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Chính vì thế chúng ta có thể hiểu rằng nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ quyền và thương hiệu thì không.

Về tính chất cơ bản của thương hiệu và nhãn hiệu

– Nhãn hiệu là thứ hữu hình, nó có thể là chữ cái, hình ảnh, từ ngữ hoặc là sự kết hợp tất cả giữa chúng và khách hàng có thể dễ dàng nhận biết bằng các giác quan thông thường như thị giác.

Ví dụ: Có thể kể đến những nhãn hiệu nổi tiếng như xe máy Air Blade đến từ thương hiệu Honda.

Nhãn hiệu là thứ hữu hình mà bạn có thể nhìn thấy được
Nhãn hiệu là thứ hữu hình mà bạn có thể nhìn thấy được

– Trong khi đó thương hiệu là cái vô hình và chúng ta cũng chỉ có thể cảm nhận được nó mà không thể nhìn thấy như nhãn hiệu. Khi nói “sản phẩm này có thương hiệu rồi” thì người ta sẽ liên tưởng ngay đến những yếu tố tạo nên danh tiếng cho sản phẩm đó, gồm cả hữu hình lẫn vô hình (kiểu dáng, chất lượng của sản phẩm, định hình nhãn hiệu của sản phẩm, thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng, giá cả, cảm nhận của khách hàng…).

Ví dụ: Khi nhắc đến Honda thì người ta sẽ nghĩ ngay tới các loại xe như Vision, Lead, Wave alpha, SH, Winner,…

Về phương diện thời gian có thể tồn tại

– Nhãn hiệu: Thường có tuổi thọ ngắn hơn so với “thương hiệu” bởi vì nó được bảo hộ thông qua Giấy tờ chứng nhận mà pháp luật thì quy định về thời hạn bảo hộ là 10 năm và chủ sở hữu vẫn có thể gia hạn, mỗi lần gia hạn trong 10 năm, không giới hạn về số lần gia hạn. Nó sẽ không thể tồn tại nếu như hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu chấm dứt sự tồn tại.

– Thương hiệu: Nó có thể tồn tại ngay cả khi hàng hóa hay dịch vụ mang thương hiệu không hề tồn tại bởi thương hiệu là do sự đánh giá của người tiêu dùng nên chừng nào sản phẩm đó còn được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng và có cảm nhận tích cực thì sản phẩm đó sẽ vẫn còn thương hiệu.

Về khía cạnh hình thành cũng như phát triển

– Nhãn hiệu: Là các dấu hiệu do cá nhân, tổ chức sáng tạo ra, có khả năng phân biệt với hàng hóa, dịch vụ của những cá nhân, tổ chức khác. Nó đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận, xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu cũng như được pháp luật bảo vệ.

Nhãn hiệu đã nhận được giấy chứng nhận bảo vệ của cơ quan chức năng
Nhãn hiệu đã nhận được giấy chứng nhận bảo vệ của cơ quan chức năng

– Thương hiệu: Để hình thành và tạo dựng nên một thương hiệu thì doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Đó là cả một quá trình từ xác định khách hàng mục tiêu, tuyên bố sứ mệnh của thương hiệu, nghiên cứu về thị trường, tìm ra các điểm khác biệt, xây dựng logo và khẩu hiệu độc quyền, xây dựng tiếng nói của thương hiệu, xây dựng thông điệp,…

Về phương diện định giá

– Nhãn hiệu: Được coi là một tài sản khi đã có xác lập quyền thông qua việc Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Một tài sản thì hoàn toàn có thể định giá được nên nhãn hiệu cũng có thể định giá được.

– Thương hiệu: Là một tài sản vô hình, mặc dù pháp luật Việt Nam vẫn chưa chính thức công nhận và có quy định cụ thể. Tài sản vô hình thì sẽ không thể định giá một cách dễ dàng được, việc tính toán giá trị của thương hiệu sẽ do các tổ chức dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực định giá thương hiệu chịu trách nhiệm.

Có thể bạn cần biết:

Branding là gì? Tất cả thông tin cần biết về xây dựng thương hiệu

Thương hiệu OEM là gì? Sự khác biệt giữa OEM, OBM và ODM là gì?

Hy vọng bài viết này của chúng tôi đã giúp bạn đọc nắm được nhãn hiệu và thương hiệu là gì cũng như biết so sánh nhãn hiệu và thương hiệu khác nhau ở đâu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *