Cộng đồng Việt Nam có bao nhiêu dân tộc? Kể tên chi tiết

Dân tộc Việt nam có tổng cộng 54 dân tộc. Nếu trong thời chiến, các dân tộc cùng góp sức đoàn kết một lòng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất máu xương của quê hương thì ở thời bình, mỗi dân tộc mang màu sắc riêng góp phần tạo nên một Việt Nam đa dạng về văn hóa. Cùng tìm hiểu về sự phân nhánh các dân tộc anh em ở Việt Nam và đặc trưng về trang phục, sinh hoạt và tập quán lao động canh tác của họ qua bài viết này.

Tìm hiểu về 54 dân tộc Việt Nam
Tìm hiểu về 54 dân tộc Việt Nam

Sự hình thành các dân tộc Việt Nam

Căn cứ vào những kết quả nghiên cứu gần đây về các dân tộc Việt Nam cùng với sự hình thành các dân tộc khác trong khu vực thì có thể nói rằng 54 dân tộc Việt Nam đều có cùng một nguồn gốc, đó là chủng Cổ Mã Lai. Quá trình hình thành các dân tộc ở Việt Nam có thể chia thành 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Vào thời kỳ đồ đá giữa (khoảng 10.000 năm trước đây), có một bộ phận thuộc Đại chủng Á, sống ở vùng Tây Tạng di cư về phía Đông Nam, tới vùng Đông Dương ngày nay thì dừng lại. Tại đây, bộ phận Đại chủng Á kết hợp với bộ phận Đại chủng Úc bản địa và kết quả là chủng Cổ Mã Lai ra đời.
  • Giai đoạn 2: Cuối thời kỳ đồ đá mới, đầu thời kỳ đồ đồng (khoảng 5.000 năm trước đây). Tại khu vực, chính là miền Bắc Việt Nam hiện nay, miền nam Trung Quốc (từ sông Dương Tử đổ xuống), có sự dịch chuyển do chủng Cổ Mã Lai tiếp xúc thường xuyên với Đại chủng Á từ phía Bắc tràn xuống, sự dịch chuyển này hình thành một chủng mới là chủng Nam Á .
  • Giai đoạn 3: Thời kỳ sau đó, chủng Nam Á được chia thành một loạt các dân tộc gọi là Bách Việt. Ban đầu, họ nói một số thứ tiếng như: Việt-Mường, Môn-Khơ me, Tày-Thái, Mèo-Dao,… Sau này, quá trình chia tách vẫn tiếp tục để hình thành nên các dân tộc và các loại ngôn ngữ như ngày nay. Trong khi đó, địa bàn cư trú của người Cổ Mã Lai nằm ở phía Nam Việt Nam, dọc theo dải Trường Sơn. Theo thời gian họ biến chuyển thành chủng Nam Đảo. Đây là tổ tiên của các dân tộc thuộc nhóm Chàm.

Theo số liệu tổng điều tra dân số, tính năm 2021, dân số của Việt Nam là 98.564.407 người.. Dân số Việt Nam gồm 54 dân tộc. Dân tộc đông nhất là dân tộc Kinh (Việt), chiếm 86,2% dân số. Những dân tộc thiểu số đông dân nhất: Thái,Tày, Mường, Hoa, Khmer, Nùng, H’mông, Giarai, Dao, Êđê , Chăm, Sán Dìu. Phần đông các dân tộc này sống ở miền núi và vùng sâu vùng xa ở miền Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Cuối cùng là các dân tộc Ơ đu, Brâu và Rơ Măm chỉ có trên 300 người.

Cộng đồng Việt Nam có bao nhiêu dân tộc?

Như mọi người đều đã biết, cộng đồng Việt Nam có 54 dân tộc được xếp theo 3 ngữ hệ và 8 nhóm ngôn ngữ Tày – Thái, Việt – Mường, Mông – Dao, Nam Đảo, Ka Đai, Tạng Miến, Hán.

  • Nhóm  Việt – Mường có 4 dân tộc: Kinh, Thổ, Mường, Chứt. Đồng bào chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và đánh cá. Đời sống tâm linh cũng có tục thờ cúng ông bà tổ tiên. Các nghề thủ công truyền thống được phát triển ở trình độ cao.
Dân tộc Mường sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước
Dân tộc Mường sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước
  • Nhóm ngôn ngữ Tày – Thái có 8 dân tộc: Tày, Nùng, Thái, Giáy, Lào, Sán Chay, Lự, Bố Y. Đồng bào tập trung ở các tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái…. Các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tày Thái nói ngôn ngữ Nam Á, ở nhà sàn, trồng lúa nước kết hợp với làm nương rẫy, lợi dụng địa hình thung lũng. Sáng tạo ra cối giã gạo, con quay và hệ thống mương, phai, lái, lín đưa nước về ruộng. Nghề thủ công khá phát triển như: Dệt, rèn với nhiều sản phẩm đẹp và tinh tế. Bên cạnh đó, mỗi tộc người đều có những bản sắc riêng, được biểu hiện thông qua trang phục, nhà cửa, phong tục tập quán, lối sống và nếp sống tộc người.
Nghề dệt vải truyền thống của người Tày
Nghề dệt vải truyền thống của người Tày
  • Nhóm ngôn ngữ Mông – Dao có 3 dân tộc: Dao, Mông, Pà Thẻn;
  • Nhóm ngôn ngữ Ka Đai có 4 dân tộc: Pu Péo, La Chí, La Ha, Cờ Lao
  • Nhóm ngôn ngữ Tạng Miến có 6 dân tộc: Hà Nhì, Lô Lô, Phù Lá, La Hủ, Cống, Si La. Các tộc người thuộc 3 nhóm này cư trú chủ yếu ở các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu. Làng bản của họ được xây dựng trên các triền núi cao hoặc ở lưng chừng núi. Một số các tộc người như Cống, La Chí, Si La và một vài nhóm Dao xây dựng làng ven các con sông, con suối. Phục thuộc vào thế đất, đồng bào dựng nhà sàn, nhà đất hay nhà nửa sàn nửa đất.
Trồng lúa trên ruộng bậc thang - đặc trưng văn hóa của nhóm Mông-Dao
Trồng lúa trên ruộng bậc thang – đặc trưng văn hóa của nhóm Mông-Dao

Đồng bào giỏi canh tác lúa nếp, lúa tẻ, ngô và các loại rau, đậu trên nương rẫy và ruộng bậc thang, không quên phát triển các nghề thủ công như dệt vải, đan lát, rèn. Đặc biệt phụ nữ vùng cao rất giỏi  thêu thùa, dệt vải làm ra những bộ trang phục độc đáo cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Chợ phiên là nơi bản sắc văn hóa vùng cao được thể hiện rõ nhất, phô diễn toàn bộ đời sống kinh tế, văn hoá ẩm thực, văn hoá mặc, in hoa, nghệ thuật thêu thùa, biểu diễn âm nhạc, múa khèn… đậm màu sắc văn hóa tộc người.

  • Nhóm ngôn ngữ Môn Khơ Me có 21 dân tộc: Brâu, Ba Na, Bru – Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Tu, Cơ Ho, Giẻ Triêng, H’rê, Kháng, Mảng, Khơ Me, Khơ Mú, Xinh Mun, M’nông, Ơ Đu, Mạ, Tà ôi, Rơ Măm, Xơ Đăng, Xtiêng. Đồng bào sinh sống rải rác ở khu vực Tây Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và Nam Bộ. Đời sống kinh tế phụ thuộc vào canh tác nương rẫy theo phương pháp chọc lỗ tra hạt. Những nét văn hoá độc đáo của cư dân Môn – Khơ Me như kiến trúc nhà rông, nhà dài Tây Nguyên, chùa của người Khmer, nghề thủ công đan lát và lễ hội văn hoá cộng đồng.
Tục chọc lỗ tra hạt của các dân tộc Tây Nguyên - Môn Khmer
Tục chọc lỗ tra hạt của các dân tộc Tây Nguyên – Môn Khmer
  • Nhóm ngôn ngữ Nam Đảo có 5 dân tộc: Gia Rai, Ê Đê, Chăm, Raglai, Chu Ru. Đồng bào tập trung trên các cao nguyên đất đỏ Tây Nguyên và dải đất dọc ven biển miền Trung. Văn hóa dân Nam Đảo mang đậm nét mẫu hệ
Đan lát, làm gốm là tập tục lâu đời của dân tộc Chăm - nhóm ngôn ngữ Nam Đảo
Đan lát, làm gốm là tập tục lâu đời của dân tộc Chăm – nhóm ngôn ngữ Nam Đảo
  • Nhóm ngôn ngữ Hán có 3 dân tộc: Sán Dìu, Hoa, Ngái. Đồng bào sinh sống khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Phụ hệ là đặc trưng của người Hán.
Dân tộc Sán Dìu trồng chè
Dân tộc Sán Dìu trồng chè

Tên và hình ảnh 54 dân tộc Việt Nam

STT Tên dân tộc Dân số % so với
dân số
Việt Nam
01 Kinh 82.085.826 85,3203%
02 Tày 1.845.492 1,9182%
03 Thái 1.820.950 1,8927%
04 Mường 1.452.095 1,5093%
05 Khmer 1.393.547 1,4485%
06 Hoa 1.319.652 1,3717%
07 Nùng 1.083.298 1,126%
08 H’Mông 891.151 0,9263%
09 Dao 749.466 0,779%
10 Người Jrai (Gia Rai) 513.930 0,5342%
11 Ê Đê 398.671 0,4144%
12 Người Bahnar(Ba Na) 287.910 0,2982%
13 Sán Chay 212.277 0,2206%
14 Chăm 201.398 0,2093%
15 Cơ Ho 200.800 0,2087%
16 Xơ Đăng 183.004 0,1902%
17 Sán Dìu 178.948 0,186%
18 Hrê 149.460 0,1553%
19 Ra Glai 146.613 0,1524%
20 Mnông 127.334 0,1324%
21 Thổ 100.752 0,1047%
22 Stiêng 94.598 0,0983%
23 Khơ mú 91.430 0,095%
24 Bru – Vân Kiều 90.612 0,0942%
25 Cơ Tu 74.173 0,0771%
26 Giáy 67.858 0,0705%
27 Tà Ôi 63.322 0,0658%
28 Mạ 52.356 0,0544%
29 Giẻ-Triêng 50.322 0,0523%
30 Co 40.442 0,042%
31 Chơ Ro 29.520 0,0307%
32 Xinh Mun 29.503 0,0307%
33 Hà Nhì 25.539 0,0265%
34 Chu Ru 23.242 0,0242%
35 Lào 17.532 0,0182%
36 La Chí 16.180 0,0168%
37 Kháng 15.126 0,0157%
38 Phù Lá 12.471 0,013%
39 La Hủ 12.113 0,0126%
40 La Ha 10.157 0,0106%
41 Pà Thẻn 8.248 0,0086%
42 Lự 7.513 0,0078%
43 Ngái 6.757 0,007%
44 Chứt 4.827 0,005%
45 Lô Lô 4.650 0,0048%
46 Mảng 4.003 0,0042%
47 Cơ Lao 3.232 0,0034%
48 Bố Y 2.729 0,0028%
49 Cống 1.649 0,0017%
50 Si La 909 0,0009%
51 Pu Péo 903 0,0009%
52 Rơ Măm 639 0,0007%
53 Brâu 525 0,0005%
54 Ơ Đu 428 0,0004%

Bảng thống kê dân số 54 dân tộc Việt Nam tính đến 1/4/2019

Tên các dân tộc thiểu số ở miền Bắc

Các dân tộc thiểu số ở miền Bắc gồm: Tày, Thái, Hoa, Mường, Nùng, H’mông, Dao, Ngái, Sán chay, Sán dìu, Giáy, Kháng, Xinh Mun, Hà Nhì, Lào, La Chí, La Ha. Phù Lả, La Hủ, Lự, Lô Lô, Mảng, Pà Thẻn, Cơ Lao, Cống, Bố Y, Si La, Pu Péo,

Tên các dân tộc thiểu số ở miền Trung

Các dân tộc thiểu số ở miền Trung  gồm: Gia-Lai, Ê-đê, Ba-na, Xơ- đăng, Cơ-ho, Hre, Mnong, Thổ, Cơ Tu, Gié-Triêng, Mạ, Khơ mú, Co, Ta ôi. Chu ru, Chứt, Brâu, Ơ đu, Rơ măm

Tên các dân tộc thiểu số ở miền Nam

Nhà sàn dài của các dân tộc thiểu số miền Trung
Nhà sàn dài của các dân tộc thiểu số miền Trung

Các dân tộc thiểu số ở miền Nam gồm: Khơ-me, Chăm, Ra-glai, Xtiêng, Bru-Vân Kiều, Chơ ro

Kiến trúc nhà sàn của các dân tộc thiểu số miền Nam
Kiến trúc nhà sàn của các dân tộc thiểu số miền Nam

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết đọc và viết năm 2022

Do đặc thù vị trí địa lý ở các vùng địa bàn hiểm trở, khó khăn trong đi lại, cơ sở vật chất còn nghèo nàn nên phần đông người dân tộc thiểu số chưa chú trọng đến việc học văn hóa. Theo thống kê mới nhất của viện Dân tộc học Việt Nam, có 85,8% người dân tộc thiểu số biết đọc và biết viết, con số này đã tăng nhưng chưa đáng kể so với 79,8% của năm 2015. Ngoài nguyên nhân khách quan do điều kiện vật chất khó khăn thì chủ quan đến từ tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào tiềm thức bà con, dẫn tới tình trạng các trẻ nữ phải ở nhà đi nương rẫy mà không được học hành. Điều này để lại hệ lụy lớn về sau.

Biểu đồ tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết đọc và viết năm 2015
Biểu đồ tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết đọc và viết năm 2015
Trẻ em vùng cao trở thành lao động chính của gia đình từ khi còn nhỏ
Trẻ em vùng cao trở thành lao động chính của gia đình từ khi còn nhỏ

Có thể nói, mỗi một dân tộc dù ít dù nhiều cũng đóng góp không ngừng vào sự phát triển của cả quốc gia, dân tộc. Hiện nay, nhà nước đã và đang nỗ lực hết sức để xóa bỏ khoảng cách giữa các dân tộc thiểu số, phổ cập giáo dục nhằm giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em không được đi học, phát triển kinh tế vùng cao, chăm lo cho đời sống bà con để mọi người ổn định cuộc sống. Bởi nước Việt Nam có 54 dân tộc đều là anh em một nhà, cùng nhau chung sức đánh đuổi ngoại xâm để có được nền độc lập như ngày hôm nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *