Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội là gì? Ví dụ và đặc điểm

Trong tiếng Việt có rất nhiều những loại từ ngữ không phải từ ngữ toàn dân sử dụng, mà chỉ được sử dụng trong một nhóm người, trong một khoảng không gian, thời điểm nhất định. Những từ ngữ này được xếp vào 2 nhóm là từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội. Hãy cùng đi tìm hiểu về hai nhóm từ này qua bài viết sau nhé.

Tìm hiểu từ ngữ địa phương là gì?

Trước khi tìm hiểu từ ngữ địa phương là gì, chúng ta cần tìm hiểu về khái niệm từ ngữ toàn dân. Từ ngữ toàn dân là những từ ngữ được sử dụng thống nhất, rộng rãi bởi nhiều người trên cả nước. Những từ ngữ này khi nói hoặc viết ra thì tất cả mọi người đều có thể hiểu được.

Đây là những từ ngữ được sử dụng trên các phương tiện truyền thông, các văn bản pháp luật, văn bản tiêu chuẩn…

Sự khác biệt trong từ ngữ địa phương miền Bắc và miền Nam
Sự khác biệt trong từ ngữ địa phương miền Bắc và miền Nam

Từ ngữ địa phương là những từ ngữ chỉ được sử dụng bởi một nhóm người ở một khu vực địa lý nhất định. Nếu bạn sử dụng từ ngữ địa phương để biểu đạt với những người ở nơi khác thì có thể họ sẽ không hiểu.

Ví dụ về từ ngữ địa phương

  • Từ ngữ địa phương ở miền Bắc Việt Nam: giời (trời), bầm (mẹ)…
  • Từ ngữ địa phương ở miền Trung Việt Nam: răng (sao, thế nào), mô (chỗ nào), rứa (thế)…
  • Từ ngữ địa phương ở miền Nam Việt Nam: thơm (dứa), heo (lợn), vô (vào)…

Đặc điểm của từ ngữ địa phương

  • Nguyên nhân hình thành những từ ngữ địa phương là do sự phân hóa về địa lý, dân cư hay hàng rào kinh tế. Những sự khác biệt về văn hóa, xã hội cũng là nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành từ ngữ địa phương.
  • Nhiều từ ngữ địa phương miền Bắc quen dùng từ thuần Việt, nhưng từ ngữ địa phương miền Nam lại dùng từ Hán Việt. Ví dụ như: bèo tây/ lục bình, mướp đắng/ khổ qua, đỗ/ đậu, chè/trà…
  • Nhiều từ ngữ địa phương miền Nam có nguồn gốc từ bối cảnh sinh hoạt trên sông nước, ví dụ: quá giang (đi nhờ), chìm xuồng (lãng quên), tới bến (đến cùng, hết mình)…

Tác dụng của từ ngữ địa phương trong các tác phẩm văn học

Trong các tác phẩm văn học, việc sử dụng từ ngữ địa phương một cách có chủ ý có thể tạo ra những hiệu quả nghệ thuật sau:

  • Không gian, thời gian và bối cảnh của tác phẩm có thể được thể hiện một cách cụ thể và rõ ràng.
  • Miêu tả hiện thực cuộc sống con người để hiểu rõ hơn về văn hóa và cuộc sống của người dân địa phương.
  • Thể hiện ngôn ngữ, cách nói, cách giao tiếp đặc trưng của từng vùng miền.
  • Thể hiện dụng ý của tác giả (khắc họa tính cách của nhân vật ).

Tìm hiểu biệt ngữ xã hội là gì?

Biệt ngữ xã hội là từ chỉ dùng trong một tầng lớp nhất định trong xã hội. Tầng lớp xã hội có thể là tầng lớp thượng lưu và trung lưu trong xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám,  vua, quan trong triều đình phong kiến;  thương gia, lái buôn, học sinh, vận động viên…

Biệt ngữ xã hội cũng có thể là những từ mà một nhóm người nhất định dùng, ví dụ như một nhóm người cùng làm một ngành nghề hay có cùng một sở thích.

Học sinh cũng có những biệt ngữ xã hội riêng
Học sinh cũng có những biệt ngữ xã hội riêng

Ví dụ về biệt ngữ xã hội

  • Biệt ngữ xã hội của học sinh: trúng tủ, trật tủ, ăn ngỗng…
  • Biệt ngữ xã hội của vua chúa thời phong kiến: trẫm, long thể, quả nhân, long bào…
  • Biệt ngữ xã hội của người theo đạo Thiên Chúa: nữ tu, đức cha, lòng lành, ơn ích…
  • Biệt ngữ xã hội của giới trẻ hiện nay (chủ yếu là các tiếng lóng trên mạng xã hội): chém gió, trẻ trâu, còn cái nịt, gấu, thánh…

Lưu ý khi sử dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội

Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội là những từ được sử dụng trong một số trường hợp hạn chế và không được phổ biến rộng rãi toàn dân, vì vậy cần chú ý sử dụng một cách vừa phải, đúng cách. Nếu bạn sử dụng sai thì có thể gây nhầm lẫn thông tin, gây hiểu lầm cho người đọc và người nghe.

Sử dụng các từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội đúng cách
Sử dụng các từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội đúng cách

Các từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội chỉ có thể được sử dụng trong các tình huống sau:

  • Trong các buổi tụ họp, hãy sử dụng các từ này để giao tiếp với những người thuộc tầng lớp của bạn để tạo sự thân mật và gần gũi.
  • Việc dùng các từ ngữ này vào việc sáng tạo tác phẩm văn học không những có thể tăng tính biểu cảm mà còn thể hiện rõ giai cấp xã hội và làm nổi bật tính cách nhân vật.
  • Để tránh lạm dụng biệt ngữ xã hội, từ ngữ địa phương, cần tìm hiểu về từ ngữ toàn dân với nghĩa tương ứng trong trường hợp cần sử dụng.

Có thể bạn quan tâm:

Biện pháp đảo ngữ là gì? Ví dụ cụ thể về biện pháp đảo ngữ

Lập luận là gì trong văn nghị luận? Các phương thức lập luận

Bài viết đã cung cấp những thông tin bổ ích về từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội. Việc sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp với hoàn cảnh và mục đích giao tiếp là vô cùng quan trọng. Do đó bạn hãy sử dụng những loại từ này một cách cẩn thận và đúng tình huống nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *