Thị trường là gì? Quy mô, phân loại và đặc điểm các loại thị trường

Thị trường – thuật ngữ quen thuộc trong kinh tế và thương mại. Hiểu được thị trường là gì, quy mô, đặc điểm của thị trường giúp doanh nghiệp xây dựng được các chiến lược thâm nhập và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Trong bài viết này hãy cùng với chúng tôi tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến thị trường nhé!

Thị trường là gì?

Thị trường chính là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Thị trường có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau nhưng nhìn chung thì thị trường là một hệ thống kinh tế mà tại đó người mua và người bán gặp nhau để thỏa thuận về giá cả cũng như lượng hàng hóa hoặc dịch vụ được mua bán.

Thị trường - nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi
Thị trường – nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi

Thị trường đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cụ thể:

  • Phân phối nguồn lực: Thị trường giúp phân phối nguồn lực một cách hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
  • Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng: Thị trường tạo ra động lực để cho doanh nghiệp sản xuất, đồng thời cũng thúc đẩy người tiêu dùng tiêu dùng.
  • Tạo ra sự cạnh tranh: Thị trường cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình.

Đặc điểm của thị trường là gì?

Trong xã hội hiện đại thì thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Thị trường bao gồm một số đặc điểm chính như sau: 

  • Đa dạng: Thị trường là nơi tập trung của nhiều loại sản phẩm khác nhau từ hàng hóa cho đến dịch vụ…
  • Cạnh tranh: Hoạt động kinh doanh đòi hỏi phải có sự đua tranh giữa các nhà sản xuất, nhà cung cấp về giá cả cũng như về chất lượng sản phẩm để thu hút khách hàng. 
Thị trường có tính cạnh tranh
Thị trường có tính cạnh tranh
  • Không có tính ổn định lâu dài: Thị trường luôn vận động thay đổi một cách nhanh chóng theo thời gian.
  • Không bị giới hạn không gian và thời gian: Linh hoạt, không bị giới hạn địa lý, có sự liên kết bao gồm khu vực rộng lớn tùy thuộc vào lượng cung và cầu của hàng hóa, dịch vụ.

Phân loại thị trường là gì?

Căn cứ vào hình thái vật chất

  • Thị trường hàng hóa

Đây là hình thái thị trường diễn ra rất phổ biến với đối tượng trao đổi chính đó là các hàng hoá tồn tại dưới dạng hữu hình. Những hàng hoá này có thể là các yếu tố sản xuất, nguyên vật liệu hoặc là các mặt hàng tiêu dùng cá nhân hằng ngày. Có thể nói thị trường này cạnh tranh tương đối gay gắt khi mà các nhà sản xuất kinh doanh đang ngày càng nhiều.

Thị trường hàng hóa
Thị trường hàng hóa
  • Thị trường dịch vụ

Hình thái thị trường này có đối tượng trao đổi chính là những hàng hoá không cầm nắm được. Nó giúp thỏa mãn nhu cầu phi vật chất của con người như: vui chơi, giải trí, tìm việc bán hàng… Với thị trường dịch vụ thì quá trình sản xuất và quá trình tiêu dùng sẽ được diễn ra cùng lúc.

Căn cứ vào mối quan hệ cung cầu

  • Thị trường thực tế

Đây được coi là thị trường quan trọng trong chiến lược thị trường của một doanh nghiệp. Tập hợp những khách hàng đã và đang sử dụng hàng hoá của doanh nghiệp nhằm thoả mãn nhu cầu thì sẽ được coi là thị trường thực tế. Các doanh nghiệp khi kinh doanh đều mong muốn có thể giữ vững và mở rộng thị trường này, đảm bảo số lượng khách hàng thực tế sẽ trung thành với hàng hoá mà mình đang kinh doanh.

  • Thị trường tiềm năng

Là thị trường mà ở đó các doanh nghiệp nhắm đến với mục đích là mở rộng khi kinh doanh. Những người trong nhóm này sẽ phù hợp với hàng hoá nhưng lại chưa phải là khách hàng. Tuy nhiên, họ lại là người mà doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sử dụng các sản phẩm và dịch vụ. Nhóm thị trường tiềm năng này thường sẽ đem đến các giá trị trong tương lai cho doanh nghiệp nên việc xác định phân khúc khách hàng sẽ là điểm mấu chốt cần phải được thực hiện. 

Thị trường tiềm năng
Thị trường tiềm năng
  • Thị trường lý thuyết

Đây là thị trường mà ở đó bao gồm cả thị trường thực tế và thị trường tiềm năng. Thị trường này cho phép các nhà đầu tư có thể nhìn thấy được khả năng ở hiện tại cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai của các mặt hàng hoặc là của doanh nghiệp.

Một số kiểu phân loại thị trường khác

  • Căn cứ vào góc độ lưu thông của hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ: thị trường trong nước và thị trường nước ngoài.
  • Căn cứ theo tính chất của hàng hoá: thị trường hàng hoá cao cấp và thị trường hàng hoá thiết yếu.
  • Căn cứ vào các yếu tố kinh tế của đối tượng trao đổi: thị trường yếu tố sản xuất và thị trường hàng hoá tiêu dùng.
  • Căn cứ vào tính chất của thị trường: thị trường cạnh tranh, thị trường độc quyền và thị trường hỗn hợp.
  • Căn cứ theo sự tác động từ bên ngoài đến các chủ thể kinh tế của thị trường: thị trường tự do và thị trường điều tiết.

Hình thái thị trường phổ biến hiện nay

Thị trường tiền tệ

Thị trường tiền tệ được biết đến như là thị trường lớn nhất trên thế giới. Đây là nơi diễn ra các giao dịch giữa bên cung và cầu vốn. Các chủ thể tham gia có thể là: nhà nước, ngân hàng, nhà đầu tư, người tiêu dùng… Một số hoạt động thường diễn ra trên thị trường tiền tệ như: vay ngân hàng, mua bán chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi…

Thị trường tiền tệ
Thị trường tiền tệ

Thị trường hàng hoá

Thị trường hàng hóa chính là nơi diễn ra những hoạt động mua bán và trao đổi nguyên liệu thô hay các sản phẩm sơ cấp. Hàng hóa thường được chia thành 2 loại lớn là:

  • Hàng hóa cứng bao gồm: tài nguyên thiên nhiên phải được khai thác hoặc chiết xuất như vàng, cao su, dầu thô… 
  • Hàng hóa mềm chính là các sản phẩm nông sản như thịt cá, đường, ngô, lúa mì, cà phê, đậu nành…

Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra những hoạt động mua bán và trao đổi các loại cổ phiếu đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Đây chính là một trong những thị trường hoạt động sôi nổi nhất hiện nay, có khả năng thu hút các đối tượng đầu tư rất tốt. Tuy nhiên khá khó để có thể kiểm soát và mang tính rủi ro cao. 

Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán

Thị trường tự do

Thị trường tự do là thị trường mà tại đó không hề có sự can thiệp kinh tế và quy định của Nhà nước, ngoại trừ việc thực thi các hợp đồng tư nhân cũng như quyền sở hữu tài sản. Nó bao gồm tất cả các giao dịch tự do được thực hiện giữa người mua và người bán, được diễn ra trong một môi trường kinh tế nhất định. Vậy nên ở thị trường này thì tình trạng cạnh tranh về giá, việc chèn ép người mua diễn ra rất thường xuyên.

Cấu trúc thị trường hiện nay

Cạnh tranh hoàn toàn

Cạnh tranh hoàn toàn bao gồm có rất nhiều người bán và người mua, không có sự phân biệt quy mô nhỏ hay lớn. Tại đây thì mọi sản phẩm trên thị trường đều là như nhau. Đặc biệt, bất kỳ ai cũng có quyền ra vào thị trường một cách tự do mà không có bất cứ một rào cản nào cả.

Do đó mỗi doanh nghiệp chỉ có một thị phần nhỏ nên không có bất kỳ ai có thể tác động được lên mức giá bán của hàng hóa.

Thị trường cạnh tranh hoàn hảo
Thị trường cạnh tranh hoàn hảo

Cạnh tranh độc quyền

Mặc dù số lượng người bán cũng như người mua khá lớn nhưng các sản phẩm ở đây thì đều có sự khác biệt. Dựa vào điểm khác biệt để có thể thỏa mãn được mọi nhu cầu tiêu dùng của con người.

Đối với cấu trúc thị trường này thì nó cho phép người bán được phép định mức giá cao hơn sao cho phù hợp với ngành hàng.

Độc quyền hoàn toàn

Độc quyền hoàn toàn là cấu trúc thị trường mà chỉ có một người bán, một hãng duy nhất kiểm soát toàn bộ thị trường. Tại đây thì mức giá bán hoàn toàn là do người bán quyết định. Nó có thể rất cao và người mua cũng không thể tác động vào mức giá này.

Tại cấu trúc thị trường này thì người mua hoàn toàn mất đi mọi quyền tác động. Tuy nhiên, thị trường này lại cực kỳ hiếm và ở nước ta thì chỉ có ngành hàng mà Nhà nước cung cấp.

Thị trường độc quyền hoàn hảo
Thị trường độc quyền hoàn hảo

Độc quyền nhóm

Hiểu đơn giản là chỉ cho một lượng khoảng 3 – 5 công ty có thể chi phối thị trường những mặt hàng độc quyền đó. Các nhà độc quyền quyết định đến số lượng cũng như mức giá sản phẩm tung ra thị trường. Do đó nếu như có sự thay đổi thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tổng cung của thị trường.

Một số thuật ngữ có liên quan đến thị trường

Quản lý thị trường là gì?

Quản lý thị trường được hiểu là hoạt động giám sát, kiểm tra các hoạt động mua bán cũng như trao đổi trên thị trường thương mại trong nước nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi đó có thể là buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc…

Rủi ro thị trường là gì?

Rủi ro thị trường là việc hứng chịu những thua lỗ trước những biến đổi của thị trường hay sự thay đổi ngược chiều so với dự đoán của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó thì rủi ro thị trường còn là những biến động bất lợi của lãi suất, tỷ giá, giá vàng, giá chứng khoán cũng như giá hàng hóa trên thị trường.

Rủi ro thị trường
Rủi ro thị trường

Giá trị thị trường là gì?

Giá trị thị trường chính là mức giá ước tính của tài sản tại thời điểm, địa điểm thẩm định giá giữa một bên là người mua (sẵn sàng mua) và một bên là người bán (sẵn sàng bán) diễn ra trong một giao dịch khách quan, độc lập, có đủ thông tin cũng như các bên tham gia hành động một cách có hiểu biết, thận trọng và không hề bị ép buộc.

Đi thị trường là gì?

Đi thị trường là một công việc đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa 2 vai trò tiếp thị và kinh doanh. Nhân viên đi thị trường thường được gọi nhân viên sale thị trường. Họ sẽ là người thực hiện các đầu việc vừa nghiên cứu nhu cầu, xu hướng, hành vi của người tiêu dùng và vừa nghiên cứu thị trường. Bên cạnh đó thì họ còn phải tìm và xác định các giải pháp, cách thức nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả bán hàng, kinh doanh. Đi thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và khách hàng.

Quy mô thị trường là gì?

Quy mô thị trường hiểu đơn giản là tổng số khách hàng đã mua sản phẩm, tổng doanh thu bán hàng cũng như những khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp đã đo lường được ở một thời gian cụ thể. Việc phân tích cũng như nghiên cứu quy mô thị trường kỹ thì sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn khi ra mắt các dịch vụ, sản phẩm trong kinh doanh.

Quy mô thị trường
Quy mô thị trường

Nhu cầu thị trường là gì?

Nhu cầu thị trường được hiểu là các nhu cầu, mong muốn của khách hàng đối với sản phẩm hay dịch vụ nào đó trên thị trường. Dựa theo phân tích của các chuyên gia thì nhu cầu thị trường thường bao gồm có 3 cấp độ là: Cần (Need), Muốn (Want) và Nhu cầu (Demand).

Giá cả thị trường là gì?

Giá thị trường chính là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các nhân tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm hay địa điểm nhất định.

Có thể bạn quan tâm:

Target là gì trong chứng khoán, marketing, trên Facebook

Giá trị thặng dư là gì? Bản chất và nguồn gốc giá trị thặng dư

Trên đây là những thông tin liên quan đến thị trường là gì. Có thể nói thị trường là một hệ thống phức tạp và luôn có sự biến động. Vậy nên các doanh nghiệp cần phải nắm vững kiến thức về thị trường để có thể đưa ra được những chiến lược kinh doanh phù hợp nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *