Passport là gì? Làm passport ở đâu? Tổng hợp các thông tin mới nhất

Passport là gì? Là một trong những giấy tờ quan trọng của mỗi người nhất là đối với những ai thường xuyên phải di chuyển tới nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu bạn chưa biết làm passport ở đâu, cần những giấy tờ gì thì đừng bỏ qua các thông tin dưới đây, chắc chắn sẽ giúp ích bạn rất nhiều đó!

Passport là gì?

Passport được biết đến nhiều với tên gọi hộ chiếu, là một loại giấy tờ tùy thân được sử dụng để xuất nhập cảnh. Trong đó có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đặc điểm cá nhân, quốc tịch người được cấp.

Passport là một trong những loại giấy tờ tùy thân quan trọng
Passport là một trong những loại giấy tờ tùy thân quan trọng

Tại Khoản 3 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 định nghĩa như sau: Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.

Trong mọi giao dịch, thủ tục hành chính, hộ chiếu còn được coi như loại giấy tờ tùy thân quan trọng bên cạnh căn cước công dân. Nếu không có chứng minh nhân dân hay căn cước công dân thì có thể sử dụng passport để thay thế.

Các loại passport và thời hạn

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang cấp 3 loại passport đó là:

Diplomatic Passport – Hộ chiếu ngoại giao

Diplomatic Passport – Hộ chiếu ngoại giao có trang bìa màu nâu đỏ, gồm 48 trang. Hộ chiếu này được cấp cho quan chức cấp cao của Nhà nước quy định tại Điều 8 Luật Xuất nhập cảnh; được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.

Thời hạn của hộ chiếu ngoại giao là 5 năm, tính từ ngày cấp và được quyền đến tất cả các nước. Diplomatic Passport – Hộ chiếu ngoại giao được cấp bởi Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao tại Hà Nội và Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài.

Hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ
Hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ

Official Passport – Hộ chiếu công vụ

Hộ chiếu công vụ – Official Passport có 48 trang, bìa màu xanh lá cây đậm được cấp cho các đối tượng thuộc Điều 9 Luật Xuất nhập cảnh như cán bộ, công chức, viên chức, Công an, Quân đội,…được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ công tác.

Thời hạn của hộ chiếu công vụ là 5 năm kể từ ngày cấp, được quyền đến tất cả các nước.

Cơ quan cấp: Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao tại Hà Nội và Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài.

Popular Passport – Hộ chiếu phổ thông

Popular Passport được cấp cho công dân Việt Nam, trang bìa màu xanh tím. Thời hạn của hộ chiếu phổ thông Popular Passport như sau:

  • Hộ chiếu cấp cho công dân từ 14 tuổi trở lên: Có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp, không được gia hạn và gồm 48 trang.
  • Hộ chiếu cấp cho trẻ dưới 14 tuổi: Có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp, không được gia hạn, có 48 trang
  • Trường hợp bổ sung trẻ em dưới 9 tuổi vào hộ chiếu đã cấp của cha hoặc mẹ: Thời hạn hộ chiếu của cha hoặc mẹ được điều chỉnh có giá trị tối đa 5 năm tính từ ngày bổ sung trẻ, gồm 48 trang.
  • Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn tối đa 12 tháng, không được gia hạn, có 12 trang.
Hộ chiếu phổ thông
Hộ chiếu phổ thông

Cơ quan cấp: Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc tạm trú với trường hợp chưa có căn cước công dân. Với trường hợp có thẻ căn cước công dân làm tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi hoặc Đại sứ quán/ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài nếu công dân Việt Nam đang ở nước ngoài.

Làm passport ở đâu? Chỗ làm passport

Trường hợp làm lần đầu

Làm passport ở cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh nơi thường trú, tạm trú
Làm passport ở cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh nơi thường trú, tạm trú
  • Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh nơi thường trú
  • Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh nơi tạm trú
  • Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh nơi thuận lợi (có Căn cước công dân)
  • Nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì làm tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an:
  • Có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh;
  • Có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết;
  • Có văn bản đề nghị cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
  • Vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định.

Trường hợp làm từ lần 2 trở đi

  • Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi
  • Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an

Làm passport cần những giấy tờ gì?

Nắm chắc thông tin làm passport cần giấy tờ gì sẽ giúp cho quá trình làm hộ chiếu của bạn diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Tại Khoản 2 Điều 15 Luật Xuất nhập cảnh quy định các loại giấy tờ liên quan tới việc cấp hộ chiếu phổ thông bao gồm:

Các loại giấy tờ cần chuẩn bị khi làm hộ chiếu passport
Các loại giấy tờ cần chuẩn bị khi làm hộ chiếu passport
  • Tờ khai theo mẫu
  • Ảnh chân dung
  • Bản sao Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh với người dưới 14 tuổi
  • Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất đối với trường hợp đã được cấp passport. Với trường hợp bị mất thì phải kèm theo đơn báo mất hoặc thông báo đã tiếp nhận đơn mất tại cơ quan có thẩm quyền.
  • Bản chụp căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân nếu có sự thay đổi thông tin cá nhân so với thông tin trên hộ chiếu trong lần cấp gần nhất.
  • Bản chụp có chứng thực giấy tờ chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người dưới 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người gặp khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi do cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp. Nếu bản chụp không có chứng thực thì phải xuất trình bản chính để kiểm tra.

Làm passport hết bao nhiêu tiền? Có lâu không? 

Lệ phí làm passport được quy định tại Thông tư 25/2021/TT-BTC, chi tiết như sau:

Nội dung Mức thu (đồng/lần cấp)
Cấp mới 200.000
Cấp lại do hỏng hoặc bị mất 400.000
Cấp giấy xác nhận yếu tố nhân sự 100.000

Về thời gian làm hộ chiếu cũng được quy định rõ ràng tại Khoản 7 Điều 15 Luật Xuất nhập cảnh như sau:

Lần đầu cấp: 08 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.

Cấp lần thứ 2 trở đi: 05 ngày làm việc tính từ ngày tiếp nhận.

Cấp hộ chiếu lần đầu thuộc các trường hợp sau sẽ được giải quyết trong 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ:

  • Có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh;
  • Có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết;
  • Có văn bản đề nghị cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
  • Vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định.

Có thể bạn quan tâm:

Thị thực là gì? Những điều cần biết về thị thực (Visa là gì)

Miễn thị thực là gì? Việt Nam miễn thị thực cho các nước nào?

Với các thông tin trên đây, hy vọng sẽ giúp bạn biết passport là gì, làm ở đâu và cần những loại giấy tờ gì. Nếu có ý định đi nước ngoài du lịch, học tập thì bạn nên làm hộ chiếu sớm để kịp thời gian xin visa và các giấy tờ, thủ tục liên quan khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *