Khái niệm nghĩa của từ là gì? Các loại nghĩa của từ

Từ là một đơn vị trong ngôn ngữ và được cấu thành từ các âm tiết. Việc hiểu về nghĩa của từ vô cùng quan trọng trong giao tiếp cũng như trong các hoạt động khác của con người. Vậy nghĩa của từ là gì, những đặc điểm của từ trong tiếng Việt như thế nào?. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về các vấn đề này để các bạn cùng tham khảo nhé.

Tìm hiểu khái niệm nghĩa của từ là gì?

Từ là đơn vị tích hợp trong ngôn ngữ. Nó cũng là đơn vị nhỏ nhất có cấu tạo ổn định, nghĩa hoàn chỉnh, dùng để đặt câu. Từ có thể dùng làm tên gọi của sự vật (danh từ), hoạt động (động từ), trạng thái, thuộc tính (tính từ)… Từ là công cụ để biểu đạt quan niệm của con người ra bên ngoài.

Nghĩa của từ là nội dung mà từ thể hiện
Nghĩa của từ là nội dung mà từ thể hiện

Trong ngôn ngữ học, từ là đối tượng nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác nhau như cấu tạo từ, hình thái học, âm vị học, phong cách và cú pháp.

Vậy nghĩa của từ là gì?

Để trả lời câu hỏi chính “Nghĩa của từ này là gì?”, trước hết chúng ta phải xem xét về bản chất tín hiệu của từ. Một từ là một tín hiệu, nó phải được sử dụng để nói về một điều gì đó.

Khi một người sử dụng một từ nào đó, nếu họ sử dụng được từ này một cách đúng như những gì xã hội công nhận, đồng thời đúng ngữ cảnh và tình huống giao tiếp thì được coi là hiểu nghĩa của từ.

Cho đến nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều coi nghĩa của từ là sự thể hiện các mối quan hệ khác nhau. Tuy nhiên, đây không nhất thiết là các mối quan hệ logic, mà là các mối quan hệ phản ánh, truyền thống được thiết lập bởi cộng đồng người bản ngữ.

Mỗi khi chúng ta tìm hiểu nghĩa của một từ, chúng ta thường liên kết từ đó với những gì nó đề cập đến (trước hết là một sự vật, hiện tượng, hành động hoặc thuộc tính…). Mặt khác, ý nghĩa của một từ được hiểu thông qua các tình huống ngôn ngữ giao tiếp khác nhau mà từ đó được sử dụng.

Do đó chúng ta có thể phát biểu một cách đơn giản như sau: Nói một cách tổng quát, nghĩa của một từ là nội dung mà từ đó thể hiện ra. Nó có thể bao gồm hoạt động, tính chất, trạng thái, quan hệ… mà từ đó biểu thị.

Ví dụ về nghĩa của từ

Một số ví dụ về nghĩa của từ như sau:

  • Nghĩa của từ “Hoa”: Là bộ phận mang hạt của cây, bao gồm các cơ quan sinh sản (nhị hoa và lá noãn) thường được bao quanh bởi tràng hoa có màu sắc rực rỡ (cánh hoa) và đài hoa màu xanh lá cây (đài hoa).
  • Nghĩa của từ “Tính cách”: Là sự tổng hợp các kiểu suy nghĩ, cảm xúc và hành vi giúp phân biệt một người với những người khác.
  • Nghĩa của từ “Cái bàn”: Là một món đồ nội thất có mặt trên bằng phẳng và có một hoặc nhiều chân. Nó tạo ra một bề mặt bằng phẳng để đặt đồ vật và có thể được sử dụng cho các mục đích như ăn uống, viết, làm việc hoặc chơi trò chơi.

Các cách giải thích nghĩa của từ trong tiếng Việt

Trong tiếng Việt có 3 cách để giải thích nghĩa của một từ như sau.

Cách giải thích thứ nhất

Giải thích nghĩa bằng cách trình bày nội dung mà từ thể hiện. Ví dụ như: 

Ấm áp: Có nhiệt độ vừa phải, không quá nóng cũng không quá lạnh, thường thiên về nhiệt độ cao nhiều hơn.

Học: Học là quá trình đạt được sự hiểu biết, kiến ​​thức, hành vi, kỹ năng, giá trị, thái độ và sở thích mới.

Giếng: Giếng là một cấu trúc được tạo ra trong lòng đất bằng cách đào, đóng hoặc khoan để tiếp cận các nguồn chất lỏng, thường là nước.

Sông: Sông là một dòng nước tự nhiên chảy từ đầu nguồn đến nơi giao thoa với hồ nước hay biển khác.

Có nhiều cách giải thích nghĩa của từ khác nhau
Có nhiều cách giải thích nghĩa của từ khác nhau

Cách giải thích thứ hai

Đưa ra những từ trái nghĩa hoặc đồng nghĩa của từ đó. Ví dụ:

Siêng năng: Có nghĩa là chăm chỉ, cần cù, chịu khó.

Nhân hậu: Nghĩa là tốt bụng, vị tha, không xấu xa, nhỏ nhen hay ích kỉ.

Cách giải thích thứ ba

Giải thích nghĩa của từng thành tố trong từ đó. Có nhiều từ Hán Việt cần phải giải thích từng tiếng trong từ mới có thể hiểu được nghĩa của những từ này.

Ví dụ: Từ “Khán giả”: Khán có nghĩa là xem, giả là người, do đó “khán giả” nghĩa là người xem.

Từ “Thảo nguyên”: Thảo là cỏ, cây thân cỏ, nguyên là vùng đất bằng phẳng, “thảo nguyên” có nghĩa là vùng đồng cỏ bằng phẳng.

Các thành phần nghĩa của từ theo dẫn luận ngôn ngữ

Theo dẫn luận ngôn ngữ học, khi nói về nghĩa của từ, người ta thường nhắc đến nhiều thành phần nghĩa khác nhau. Dưới đây là một số thành phần mà bạn có thể tham khảo.

Nghĩa biểu vật của từ (denotative meaning)

Là lớp nghĩa thể hiện sự liên hệ giữa từ với sự vật hoặc hiện tượng, hành động, thuộc tính… mà nó chỉ ra. Bản thân sự vật, hiện tượng, hành động, thuộc tiếng đó được gọi là biểu vật. 

Biểu vật có thể biểu thị hiện thực hoặc phi hiện thực, có bản chất vật chất hoặc phi vật chất, hữu hình hay vô hình. Ví dụ nghĩa của các từ như ma, quỷ, thánh, thần, thiên đường, địa ngục, đất, trời, mưa, nắng, nóng, lạnh…

Nghĩa biểu niệm của từ (significative meaning)

Là lớp nghĩa liên hệ giữa từ với ý nghĩa, ý niệm. Những ý nghĩa này là sự phản ánh các thuộc tính biểu vật vào trong ý thức của con người.

Ngoài hai thành phần nghĩa trên, khi xác định nghĩa của từ còn phải phân biệt thêm hai thành phần nghĩa nữa. Đó là những ý nghĩa ngữ dụng và cấu trúc.

Nghĩa ngữ dụng hay còn gọi là nghĩa biểu cảm chỉ mối quan hệ giữa từ ngữ với thái độ tình cảm chủ quan của người nói.

Nghĩa cấu trúc là mối quan hệ giữa từ này với các từ khác trong hệ thống từ vựng. Mối quan hệ giữa từ này với từ khác được thể hiện trên hai trục: trục đối vị (paradigmatical axis) và trục ngữ đoạn (syntagmatical axis). Các mối quan hệ trên trục đối vị cho phép chúng ta phân biệt từ này với từ khác, trong khi các mối quan hệ trên trục ngữ đoạn cho phép chúng ta xác định giá trị của từ – tác dụng cấu tạo câu của từ đó.

Phân biệt nghĩa của từ và khái niệm

Cần phân biệt giữa nghĩa của từ và khái niệm. Ý nghĩa và khái niệm có liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng thường thì chúng không trùng khớp với nhau.

Khái niệm là kết quả của quá trình nhận thức, phản ánh những đặc điểm chung nhất, phổ biến, bản chất nhất của sự vật, hiện tượng. Người ta có được các khái niệm chủ yếu thông qua các khám phá và nghiên cứu khoa học. 

Nội dung của một khái niệm có thể rộng hoặc sâu, gần với chân lý khoa học và có thể được diễn đạt bằng nhiều lập luận. Mặt khác, không phải mọi khái niệm đều có thể được phản ánh bằng một từ mà có thể diễn đạt bằng nhiều từ. 

Nghĩa của từ khác với khái niệm
Nghĩa của từ khác với khái niệm

Trong khi đó, nghĩa của từ phản ánh những đặc điểm chung, phổ biến của sự vật, hiện tượng mà con người lĩnh hội được trong thực tế đời sống, tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, đây có thể không phải là kết quả của một nhận thức liên quan đến chân lý khoa học. Ngoài ra, chúng ta có thể thấy rằng không phải từ nào cũng phản ánh khái niệm (như từ cảm thán và từ liên kết).

Tìm hiểu về hiện tượng nghĩa chuyển của từ

  • Từ đa nghĩa là một từ có thể gọi tên nhiều sự vật, hiện tượng, biểu thị nhiều khái niệm (về sự vật, hiện tượng) tồn tại trong thực tế. Một từ đa nghĩa sẽ có nghĩa gốc và nghĩa bóng. 
  • Nghĩa gốc hay nghĩa đen là ý nghĩa chính của từ. Nghĩa đen là ý nghĩa gần gũi, quen thuộc và dễ tiếp cận, thường ít hoặc không phụ thuộc vào ngữ cảnh.
  • Nghĩa bóng là ý nghĩa của từ đã được chuyển nghĩa bằng nhiều cách khác nhau để tạo ra ý nghĩa mới, nhưng những nghĩa này cũng phải có liên hệ với nghĩa đen.
  • Hiện tượng chuyển nghĩa của từ: Chuyển nghĩa là hiện tượng tạo ra từ nhiều nghĩa từ một từ gốc. Thông thường một từ trong câu chỉ có một nghĩa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các từ có thể được hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Có thể bạn quan tâm:

Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội là gì? Ví dụ và đặc điểm

Giỏi giang hay giỏi dang mới đúng chính tả? Người giỏi giang có đặc điểm gì?

Trên đây là những thông tin liên quan đến câu hỏi nghĩa của từ là gì và những đặc điểm chính của nghĩa của từ trong tiếng Việt. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn sẽ hiểu thêm về nghĩa của từ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *