Bản đồ là gì? Vai trò, kí hiệu, phân loại và tỉ lệ bản đồ

Bản đồ đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học cũng như trong thực tiễn, giúp chúng ta xác định được khu vực mà mình đang tìm kiếm. Vậy bản đồ là gì? Tỷ lệ, ký hiệu, tính chất và phân loại bản đồ như thế nào? Cùng với chúng tôi tìm hiểu chi tiết về bản đồ trong bài viết này nhé!

Bản đồ là gì?

Bản đồ là hình thu nhỏ một phần hoặc là toàn bộ Trái Đất lên một mặt phẳng. Trong quá trình giảng dạy và học tập địa lý thì bản đồ giúp xác định vị trí, sự phân bố của đối tượng địa lý. Ví dụ như sự phân bố các ngọn núi và chiều cao của chúng, sự phân bố hướng chạy và độ dốc, các nhánh của một con sông, sự phân bố dân số, các khu công nghiệp, các đô thị lớn… Thông qua bản đồ chúng ta có thể biết rõ vị trí cũng như diện tích của từng châu lục trên Trái Đất.

Hình ảnh bản đồ
Hình ảnh bản đồ

Tỷ lệ bản đồ là gì?

Tỷ lệ bản đồ chính là tỉ số giữa một khoảng cách trên bản đồ và khoảng cách tương ứng đó ngoài thực địa. Tỷ lệ bản đồ cho biết mức độ thu nhỏ của khoảng cách được vẽ trên bản đồ so với khoảng cách trên thực địa. Để thể hiện tỉ lệ bản đồ thì người ta dùng tỉ lệ số và tỉ lệ thước.

Tỷ lệ bản đồ
Tỷ lệ bản đồ

Kí hiệu bản đồ là gì?

Ký hiệu bản đồ là phương tiện để thể hiện các nội dung trên bản đồ. Nó cũng là hình thức để qua đó mọi người có thể nhận biết được mức độ tổng quát hoá nội dung bản đồ. Vậy nên ký hiệu bản đồ được coi là ngôn ngữ của bản đồ. 

Cụ thể: Ký hiệu bản đồ bao gồm những kí hiệu như hình vẽ, đường nét, màu sắc… được dùng để thể hiện các đối tượng địa lý lên trên bản đồ, sao cho chân thực nhất so với các đối tượng địa lý ở bên ngoài thực tế.

Ký hiệu trên bản đồ - phần chú thích
Ký hiệu trên bản đồ – phần chú thích

Có thể nói, ký hiệu bản đồ chính là một thành phần không thể thiếu trong mỗi bản đồ. Nó giúp phản ánh tính chất, vị trí, đặc điểm, số lượng, cấu trúc, sự phân bố cũng như quy hoạch của đối tượng địa lý trong không gian thực tế vào bản đồ thu nhỏ. Từ đó giúp cho mọi người có cái nhìn dễ dàng hơn khi định vị.

Hiện nay, các ký hiệu của bản đồ sẽ được quy định cụ thể về nội dung cũng như ý nghĩa ở bảng chú giải của bản đồ.

Tính chất của bản đồ là gì?

  • Tính trực quan

Tính trực quan của bản đồ được biểu hiện ở chỗ bản đồ cho chúng ta khả năng bao quát cũng như tiếp thu nhanh chóng các yếu tố chủ yếu, quan trọng nhất của nội dung bản đồ.

Tính trực quan của bản đồ
Tính trực quan của bản đồ

Một trong những tính chất ưu việt của bản đồ chính là khả năng bao quát, biến cái không nhìn thấy thành cái nhìn thấy được. Bản đồ tạo ra mô hình trực quan của lãnh thổ, nó phản ánh các hình thức về các đối tượng hoặc là các hiện tượng được biểu thị. Thông qua bản đồ người ta có thể tìm ra được những quy luật của sự phân bố các đối tượng, hiện tượng trên bề mặt của trái đất.

  • Tính đo đạc

Đây được coi là một trong những tính chất quan trọng của bản đồ, có liên quan chặt chẽ với cơ sở toán học của bản đồ.

Căn cứ vào tỷ lệ cùng với phép chiếu của bản đồ, căn cứ vào các thang bậc của các ký hiệu quy ước… mà người sử dụng bản đồ có khả năng xác định được nhiều trị số khác nhau như: biên độ, toạ độ, diện tích, thể tích, độ dài, khoảng cách, phương hướng hay các trị số khác.

Nhờ tính chất này mà bản đồ được sử dụng làm cơ sở để xây dựng các mô hình toán học của các hiện tượng địa lý hay để giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn sản xuất như: giao thông, xây dựng, quy hoạch, quản lý đất đai…

  • Tính thông tin 

Được hiểu là khả năng lưu trữ, truyền đạt cho người đọc những tin tức khác nhau về các đối tượng và hiện tượng. Từ những thông tin hiện trạng cho chúng ta những ý tưởng và phát hiện mới cho tương lai.

Tính thông tin của bản đồ
Tính thông tin của bản đồ

Ví dụ: bản đồ hệ thống giao thông giúp người đọc biết được các thông tin về hiện trạng hệ thống đường xá để từ đó có thể định hướng sử dụng, cải tạo hoặc hủy bỏ…

Phân loại bản đồ là gì?

Theo các đối tượng thể hiện

  • Nhóm bản đồ địa lý: biểu thị bề mặt trái đất về mặt lãnh thổ, điều kiện tự nhiên hay kinh tế – xã hội.
  • Nhóm bản đồ thiên văn: bao gồm các bản đồ bầu trời, sao, các bản đồ thiên thể hay các bản đồ hành tinh.

Theo nội dung

  • Nhóm bản đồ địa lý chung: biểu thị toàn bộ các yếu tố cơ bản của lãnh thổ như thủy văn, dáng đất, các đường ranh giới, dân cư, giao thông, một số đối tượng kinh tế công – nông nghiệp và văn hoá. Mức độ tỉ mỉ khi biểu thị nội dung sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ cùng với mục đích của bản đồ.
Ví dụ nhóm bản đồ chuyên đề
Ví dụ nhóm bản đồ chuyên đề
  • Nhóm bản đồ chuyên đề: phản ánh về từng hiện tượng, đối tượng tự nhiên, xã hội cũng như các tổ hợp và thể tổng hợp của chúng. Bản đồ chuyên đề được phân nhóm theo các chủ đề như: địa chất, địa mạo, khí hậu, cảnh quan, dân cư, kinh tế…

Theo tỷ lệ

Theo tỷ lệ thì các bản đồ sẽ được chia ra thành: tỷ lệ lớn, tỷ lệ trung bình và tỷ lệ nhỏ. Thực tế thì ranh giới của các nhóm này không được cố định. Riêng đối với bản đồ địa lý chung thì ranh giới phân chia sẽ được cố định như sau:

  • Bản đồ tỷ lệ lớn: ≥1125.000
  • Bản đồ tỷ lệ trung bình: 1/50.000 – 1/500.000
  • Bản đồ tỷ lệ nhỏ: ≤ 1/1.000.000

Theo mục đích sử dụng

Cho đến nay thì các bản đồ chưa có sự phân loại chặt chẽ theo mục đích sử dụng bởi vì đại đa số các bản đồ thì đều được sử dụng rộng rãi cho nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong sự phân loại theo mục đích là: 

  • Các bản đồ được sử dụng cho nhiều mục đích: đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng khác nhau để giải quyết những nhiệm vụ có ý nghĩa về kinh tế, quốc phòng, để nghiên cứu lãnh thổ hay đề thu nhận những tư liệu tra cứu… 
Ví dụ bản đồ chuyên môn
Ví dụ bản đồ chuyên môn
  • Các bản đồ chuyên môn: được dùng để giải quyết những nhiệm vụ nhất định. Ví dụ: bản đồ giáo khoa, bản đồ hàng hải, hàng không…

Theo lãnh thổ

Theo lãnh thổ thì các bản đồ được phân ra thành: bản đồ thế giới, bản đồ bán cầu, bản đồ châu lục, bản đồ các nước, bản đồ vùng…

Vai trò của bản đồ là gì?

Trong thực tiễn

Bản đồ là mô hình không gian cho chúng ta biết được hình dạng, độ lớn, vị trí tương hỗ của các đối tượng trong không gian như: tọa độ, độ dài, diện tích, thể tích, độ cao, độ sâu… Bản đồ mang nhiều thông tin đặc trưng về số lượng, chất lượng, cấu trúc cũng như sự phân bố của các đối tượng, hiện tượng.

Vậy nên trong thực tế thì bản đồ đóng vai trò cực kỳ quan trọng như:

  • Là người dẫn đường trên bộ, trên biển cũng như trên không.
Bản đồ - người dẫn đường
Bản đồ – người dẫn đường
  • Là tài liệu không thể thiếu trong quân sự như: cung cấp các thông tin về địa hình để vạch ra kế hoạch tác chiến.
  • Trong công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải… thì bản đồ dùng để khảo sát, thiết kế, đặc biệt là các bản đồ địa hình tỷ lệ lớn.
  • Trong nông nghiệp thì bản đồ dùng để quy hoạch, quản lý đất đai, phân vùng quy hoạch đất hay xây dựng thủy lợi.
  • Trong giáo dục đào tạo thì bản đồ là giáo cụ trực quan, được coi là cuốn “sách giáo khoa” thứ hai trong công tác giảng dạy và học tập các môn như địa lý và lịch sử. Bản đồ còn là công cụ để tuyên truyền, quảng cáo, góp phần nâng cao trình độ văn hoá chung của mọi người.
  • Trong kinh tế – xã hội thì bản đồ là phương tiện không thể thiếu trong ngành du lịch. Nó là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc quy hoạch định hướng phát triển kinh tế cho mỗi quốc gia cũng như mỗi ngành kinh tế – xã hội.

Có thể nói, bản đồ chính là tài liệu pháp lý quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước nói chung và trong ngành Địa chính nói riêng.

Trong khoa học

Mọi công tác nghiên cứu địa lý hay nghiên cứu khoa học về trái đất thì đều được bắt đầu từ bản đồ và kết thúc cũng là bằng bản đồ. Cụ thể:

Bản đồ - công cụ nghiên cứu khoa học
Bản đồ – công cụ nghiên cứu khoa học
  • Bản đồ là công cụ để nghiên cứu khoa học trong rất nhiều ngành kinh tế quốc dân.
  • Bản đồ là nguồn cung cấp các thông tin cần thiết và chính xác.
  • Bản đồ cho chúng ta cái nhìn tổng quan, giống như nhìn mô hình không gian khách quan thực tế.

Ngày nay và trong tương lai thì bản đồ vẫn đóng vai trò quan trọng để giải quyết những nhiệm vụ cụ thể của loài người. Vai trò của bản đồ vượt ra khỏi khuôn khổ của từng quốc gia, từng lãnh thổ.

Có thể bạn quan tâm:

Lãnh hải là gì? Rộng bao nhiêu hải lý? Được xác định thế nào?

Countdown là gì? Top 5 địa điểm Countdown 2024 tuyệt đẹp

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về bản đồ là gì, tính chất, cách phân loại cũng như vai trò của bản đồ đối với con người. Truy cập muahangdambao.com để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *