Hướng nội là gì? Hướng ngoại là gì? Nhận biết bạn là người hướng nội hay hướng ngoại qua đặc điểm tính cách

Hướng nội là gì? Hướng ngoại là gì? Bạn có biết mình là người hướng nội hay hướng ngoại không? Người ta thường nói rằng người hướng nội sống khép mình và không thích tham gia các hoạt động tập thể. Vậy làm cách nào để người hướng nội trở nên hòa đồng. Chúng ta cùng nhau khám phá thế giới của người hướng nội và hướng ngoại xem cuộc sống của họ như thế nào qua bài viết dưới đây nhé!

Hướng nội là gì?

Hướng nội là thuật ngữ chỉ những người luôn thích môi trường dễ chịu và ít áp lực. Họ không thích tham gia các hoạt động tập thể bởi nó khiến họ bị mất năng lượng và mệt mỏi. Họ có xu hướng thích ở một mình, làm những việc chỉ có một mình. 

Người hướng nội thích ở một mình
Người hướng nội thích ở một mình

Đặc điểm người hướng nội

  • Thích dành thời gian cho bản thân

Thời gian ở một mình chính là để nạp năng lượng đối với người hướng nội. Khi đó họ có thể làm những công việc yêu thích như: đọc sách, viết lách, nghe nhạc, xem phim, làm vườn, trang trí,… miễn là được làm một mình.

  • Không thích tương tác nhiều với mọi người

Người hướng nội vẫn có những khoảng thời gian để tụ tập bạn bè, hòa mình vào những cuộc vui náo nhiệt. Tuy nhiên, họ cần phải nạp lại năng lượng sau một ngày hoạt động năng động bằng việc được ở một mình.

  • Thích làm việc một mình

Bạn là người không thích làm việc nhóm, bạn thích giải quyết mọi công việc một mình. Điều đó khiến bạn phát huy tối đa khả năng của bản thân và mang đến hiệu quả tốt nhất cho công việc đó thì bạn chính là một người hướng nội.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khả năng teamwork của bạn kém, mà là chỉ khi được ở một mình bạn mới có thể tập trung tối đa vào công việc đó.

  • Thích chơi với những người thân thiết, ngại mở rộng các mối quan hệ

Những người hướng nội thường rất ngại mở rộng các mối quan hệ, không phải là họ không thích kết giao hay không có khả năng tương tác xã hội mà bởi họ chỉ muốn được tận hưởng những cuộc trò chuyện thoải mái với những người mà họ hiểu rõ và có sự tin tưởng cao độ. 

  • Thích viết hơn nói

Những người hướng nội thích viết ra những suy nghĩ, thắc mắc hoặc những nỗi buồn của mình ra giấy thay vì chia sẻ với mọi người bởi vì họ thường có xu hướng thiên về viết hơn là nói. Trong các cuộc trò chuyện, người hướng nội luôn khá dè dặt và cẩn thận trong suy nghĩ và lời nói của mình. Họ cần nhiều thời gian để đưa ra một quyết định sau khi đã cân nhắc và suy nghĩ thật thấu đáo.

  • Dễ bị mất tập trung

Khi quá mệt mỏi, stress bởi công việc trước mắt, những người hướng nội sẽ để cho tâm trí mình lang thang ở đâu đó, trông giống kiểu họ đang bị sao nhãng, mất tập trung trong công việc. Tuy nhiên, đây lại là cách mà người hướng nội thư giãn đầu óc trước lượng công việc khiến họ quá tải và áp lực.

  • Sống nội tâm và nhiều suy tưởng

Trước khi làm một việc gì đó, người hướng nội sẽ suy nghĩ rất lâu, họ đặt ra trong đầu muôn vàn suy tưởng phong phú, nhiều giả thiết sống động. Từ đó, họ sẽ tự suy ngẫm và nghiên cứu vấn đề rằng liệu có nên thực hiện hay không.

Người hướng nội thích có sự chuẩn bị trước cho mọi việc. Họ sẽ dành thời gian tích lũy đủ kiến thức và có một tâm thế sẵn sàng khi quyết tâm theo đuổi mục đích, sở thích nào đó.

Ưu và nhược điểm của người hướng nội là gì?

Ưu điểm

  • Khả năng làm việc độc lập cao: người hướng nội có tính cách hướng đến chiều sâu, họ thích dành thời gian tìm hiểu sâu sắc vấn đề mình quan tâm. Vì vậy, người hướng nội có tư duy mạch lạc và kế hoạch rõ ràng. Điều đó giúp họ thành công khi hoạt động độc lập.
  • Khả năng quan sát và tư duy cực tốt: xu hướng thích sự yên tĩnh, thích quan sát giúp người hướng nội có trực giác tốt, họ nhạy cảm và linh hoạt. Họ dễ dàng quan sát phán đoán những gì đang diễn ra xung quanh rồi mới quyết định hướng giải quyết. Bởi vậy, họ thường ít gặp thất bại.
  • Biết lắng nghe, dễ thấu hiểu và đồng cảm: người hướng nội thích quan tâm đến cảm xúc của bản thân và người khác nên dễ thấu hiểu và cảm thông với người khác. Ưu điểm này khiến người hướng nội luôn được sự yêu thương, tin tưởng trong công việc cũng như cuộc sống.

Nhược điểm

  • Gặp khó khăn khi sống trong môi trường tập thể: Khi đi học, đi làm đều cần đến sự tương tác, trao đổi. Với tính cách thích hoạt động độc lập như người hướng nội thì đây sẽ là trở ngại lớn.
  • Chứng lo âu ảnh hưởng đến cuộc sống: Người hướng nội thường bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn âu lo. Do họ có xu hướng suy nghĩ đến chiều sâu nên sẽ dần hình thành cảm giác lo lắng quá mức với những tình huống xảy ra trong cuộc sống và công việc, gây ảnh hưởng không nhỏ tới não bộ.

Hướng ngoại là gì?

Hướng ngoại chỉ những người năng động, thích giao tiếp, tương tác với mọi người. Người hướng ngoại thường tạo được sự chú ý, có sức ảnh hưởng và dễ dàng kết thân với tất cả mọi người.

Người hướng ngoại thích tụ tập, kết giao bạn bè
Người hướng ngoại thích tụ tập, kết giao bạn bè

Đặc điểm của người hướng ngoại

Nếu bạn sở hữu những đặc điểm dưới đây thì đó chính là Dấu hiệu bạn là người hướng ngoại

Thích giao tiếp

Người hướng ngoại thích nói chuyện với bạn bè, thành viên gia đình và đồng nghiệp, thậm chí là bắt chuyện với những người hoàn toàn xa lạ. Người hướng ngoại giỏi giao tiếp, thích gặp gỡ những người mới và khám phá về cuộc sống của họ. Bởi vậy, người hướng ngoại có mối quan hệ rộng rãi. 

Được  “nạp năng lượng” khi trò chuyện với mọi người 

Người hướng ngoại sẽ cảm thấy phấn chấn và vui vẻ hơn khi được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Họ sẽ uể oải và thiếu năng lượng nếu bị “nhốt mình”, không được tham gia các cuộc vui tập thể hay trò chuyện bạn bè.

Thích giải quyết vấn đề bằng cách thảo luận

Khi gặp vấn đề, người hướng ngoại thích đưa vấn đề đó ra thảo luận để cùng nhau tìm giải pháp thay vì tự giải quyết chúng một mình 

Thân thiện và dễ gần với những người mới quen

Bởi sở thích giao tiếp thích bắt chuyện nên người hướng ngoại tạo cảm giác dễ gần. Họ rất nhanh nhạy trong việc tìm ra giải pháp để làm quen với những người mới và kết bạn với họ.

Người hướng ngoại dễ gần và cởi mở
Người hướng ngoại dễ gần và cởi mở

Ưu nhược điểm của người hướng ngoại

Ưu điểm

  • Luôn mang đến năng lượng tích cực cho bản thân và mọi người: Chính điều này giúp lan tỏa niềm vui, sự lạc quan và tạo được thiện cảm của mọi người.
  • Dễ dàng mở rộng các mối quan hệ: Bởi người hướng ngoại có tính cách cởi mở và thích giao tiếp nên việc mở rộng tìm kiếm thêm các mối quan hệ mới là điều không hề khó với họ. Nhờ việc có quan hệ rộng, họ sẽ chiếm được nhiều ưu thế và có được nhiều sự trợ giúp hơn.
  • Cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong nhiều lĩnh vực: giáo viên, ngoại giao, bán hàng, truyền thông, giáo viên… đều là những công việc phù hợp với người hướng ngoại. Môi trường công việc giúp họ dễ nhận ra ưu điểm bản thân để phát huy và thành công.

Nhược điểm

  • Người hướng ngoại thích thể hiện cái tôi và khá xem trọng hình thức bên ngoài. Vì vậy, họ thường không kiểm soát tốt tài chính, dễ thành công nhưng không giữ được tiền bạc

  • Người hướng ngoại nhiều mối quan hệ nhưng ít bạn bè thâm giao.
  • Người hướng ngoại thường bị chi phối cảm xúc bởi người khác mà khó tập trung vào bản thân mình.
  • Người hướng ngoại đôi khi không thực sự hiểu được mình, hiểu được người. Điều này khiến họ ít hạnh phúc hơn so với người hướng nội.

Nguyên nhân quyết định bạn là người hướng nội hay hướng ngoại

Do yếu tố sinh lý

Vai trò của sinh lý đóng vai trò quan trọng quyết định bạn là người hướng nội hay hướng ngoại. Vì nó lý giải cách cơ thể bạn phản ứng ra sao với môi trường bên ngoài. 

Một mạng lưới các nơron nằm trong não bộ có tên là hệ thống kích hoạt dạng lưới (Reticular Activating System – RAS) chịu trách nhiệm điều chỉnh mức độ kích thích từ bên ngoài gồm có thức dạy hay chuyển đổi giữa tình trạng ngủ và thức.

Hệ thống kích hoạt dạng lưới - Reticular Activating System – RAS
Hệ thống kích hoạt dạng lưới – Reticular Activating System – RAS

Hệ thống này đóng vai trò kiểm soát lượng thông tin bạn nhận được qua 5 giác quan. Khi đối mặt với nguy hiểm, RAS sẽ tăng hoạt động để bạn cảnh giác và sẵn sàng đối phó với nguy hiểm. Mỗi người sẽ có một ngưỡng căng thẳng khác nhau. Một số người có xu hướng ngưỡng căng thẳng cao hơn, trong khi một số khác có ngưỡng căng thẳng thấp hơn.

Do gen di truyền

Hướng nội có phải là do gen di truyền không? Khoa học đã chứng minh gen đóng vai trò rất quan trọng quyết định bạn là người hướng nội hay hướng ngoại. Cụ thể như:

  • Khi người hướng ngoại cảm thấy tràn đầy năng lượng thì dopamine (hay còn gọi là hormone hạnh phúc) của họ tự tiết ra làm tăng cảm giác hưng phấn, vui vẻ. Trong khi đó người hướng nội lại hoàn toàn ngược lại, họ cảm thấy bị kích thích quá mức bởi chất này.
  • Theo Laney – nhà nghiên cứu tâm lý trị liệu cho rằng, trong số tất cả các đặc điểm tính cách được nghiên cứu, hướng nội và hướng ngoại là một trong những đặc điểm có nguyên nhân do di truyền mạnh mẽ nhất.
  • Tuy nhiên, yếu tố gen cũng không quyết định 100% bạn là người hướng nội hay hướng ngoại mà phải kể đến cả yếu tố môi trường cùng với quá trình bạn trải nghiệm cuộc sống sẽ ảnh hưởng đến tính cách của bạn. Bộ gen cho phép bạn xử lý mức độ hướng ngoại của mình trong 1 giới hạn nhất định, gọi là ngưỡng trên và ngưỡng dưới.

Phân loại hướng nội và hướng ngoại

Nhà tâm lý học Hans Eysenck cho rằng ngưỡng RAS kích hoạt căng thẳng để xử lý với nguy hiểm diễn ra liên tục. Theo đó:

  • 15 % người có ngưỡng căng thẳng thấp sẽ là người hướng nội: họ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng hơn. Ở trạng thái đó, họ tỉnh táo và tiếp nhận được nhiều thông tin hơn từ môi trường hơn. Vì vậy, người hướng nội có xu hướng tìm kiếm một nơi yên tĩnh để có thời gian một mình nạp lại năng lượng để xử lý, suy ngẫm về những gì họ đã thu nạp được từ bên ngoài.
  • 15% người có ngưỡng kích hoạt cao sẽ là người hướng ngoại: họ khó bị rơi vào trạng thái căng thẳng hơn, tiếp nhận thông tin hơn từ môi trường cũng ít hơn. Họ tập trung vào tương tác con người thông qua giao tiếp, lời nói. Niềm vui của họ đến từ các cuộc tụ tập, các bữa tiệc, hoạt động cộng đồng. Một người hướng ngoại sẽ được tiếp thêm năng lượng khi ở cạnh người khác và cảm thấy nhàm chán khi ở một mình.
  • 70% người còn lại nằm ở khoảng giữa: họ có các đặc cả 2 loại đặc điểm trên. Họ có  xu hướng tận hưởng cả thời gian dành cho người khác và thời gian một mình. Tùy thuộc vào tình huống và nhu cầu của họ tại thời điểm đó.

Bí quyết sống cởi mở hơn dành cho người hướng nội

Nếu bạn là người hướng nội và cảm thấy khó khăn khi kết nối với mọi người thì hãy tham khảo những bí quyết dưới đây để xây dựng được nhiều mối quan hệ xã hội hơn.

– Nếu bạn được mời tham dự một sự kiện nào đó, bạn nên đồng ý. Hãy nghĩ đây chính là cơ hội giúp bạn có thể gặp gỡ, giao lưu và kết thân với mọi người.

-Hãy lắng nghe và quan sát mọi người, tìm điểm chung giữa bạn với một ai đó chính là cách hiệu quả để giúp người hướng nội hòa nhập với chốn đông người.

-Chuẩn bị trước một vài câu chuyện thú vị trước khi tham gia một cuộc gặp gỡ. Điều này giúp bạn không bị bỡ ngỡ và dễ dàng nhập cuộc một cách nhanh chóng.

Tạo niềm vui cho mọi người bằng những câu chuyện thú vị đã chuẩn bị trước
Tạo niềm vui cho mọi người bằng những câu chuyện thú vị đã chuẩn bị trước

Xem thêm:

-Luôn tự tin nhưng phải khiêm tốn. Khi hòa mình vào giữa một đám đông, bạn không cần phải cố tỏ ra mình là một người hoạt bát, hãy thật bình tĩnh, tự tin bước đến bắt tay và chào hỏi mọi người. Sự trung thực và khiêm tốn sẽ giúp bạn nhận được sự yêu mến từ mọi người.

-Phong cách thời trang riêng, thể hiện được tính cách con người, định hình phong cách cá nhân, phù hợp với hoàn cảnh và không quá lố lăng cũng có thể giúp bạn có thể kết nối đến mọi người.

-Người hướng nội hãy suy nghĩ tích cực. Thay vì tỏ ra hoang mang trước khó khăn, hãy bình tĩnh và đưa ra lời khuyên đúng lúc. Cảm giác vui vẻ và được tin tưởng sẽ tạo động lực lớn giúp người hướng nội tăng tính tương tác với mọi người xung quanh..

Dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, hãy cho phép bản thân được làm những điều mình yêu thích và cảm thấy thoải mái. Đừng cố gò ép bản thân rập khuôn theo một tính cách nào đó vì bạn chỉ có thể thành công khi bạn được sống là chính mình. Luôn học hỏi những điều tích cực từ mọi người, rút kinh nghiệm từ những sai lầm và trở nên tốt hơn mỗi ngày nhè!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *