Núi Thị Vải ở đâu? #3 kinh nghiệm leo núi Thị Vải tiết kiệm nhất

Khi nhắc đến du lịch, người ta thường nghĩ ngay tới những bãi biển xanh mát, khách sạn nghỉ dưỡng sang trọng mà quên mất những địa điểm lý tưởng, vừa kết hợp du tâm linh, vừa rèn luyện sức khỏe bằng cách trekking như núi Thị Vải. Vậy núi Thị Vải ở đâu? Núi Thị Vải có gì? Nên làm gì, chuẩn bị gì khi đến núi Thị Vải? Tất cả sẽ được muahangdambao.com bật mí ngay trong bài viết sau đây!

Đôi nét về núi Thị Vải

Núi Thị Vải ở đâu?

Núi Thị Vải ở đâu? Núi Thị Vải là ngọn núi thuộc xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách TP HCM chỉ 65km. Được biết, núi Thị Vải không chỉ thu hút hàng ngàn du khách trong nước mà còn là nơi dừng chân của rất nhiều khách du lịch nước ngoài, nhờ vẻ đẹp hoang sơ và không khí trong lành, giúp mọi người rũ bỏ ưu lo, tạm gác lại bao phiền muộn của phố thị xô bồ.

Vẻ đẹp tựa “chốn bồng lai tiên cảnh” của núi Thị Vải 
Vẻ đẹp tựa “chốn bồng lai tiên cảnh” của núi Thị Vải

Núi Thị Vải cao bao nhiêu?

Núi Thị Vải có độ cao khoảng 750m so với mực nước biển. Ngoài ra, quãng đường lên tới đỉnh núi có tổng chiều dài khoảng 3km, với những bậc thang đá và nhiều cung đường ngoằn ngoèo.

Do đó, du khách cần có một sức khỏe thật tốt, ăn uống đầy đủ trước khi bắt đầu hành trình. Đồng thời, hãy đảm bảo đi du lịch núi Thị Vải vào những ngày có thời tiết mát mẻ, nắng nhẹ để đường đi được khô ráo và thuận lợi bạn nhé!

Sự tích núi Thị Vải

Theo sách “Gia Định thành thông chí” của tác giả Trịnh Hoài Đức, núi Thị Vải được ghi chép như sau:

Ngày xửa ngày xưa, Thị Vải – một cô gái họ Lê xinh đẹp, sống trong gia tư giàu có nhưng bị lỡ thời, sau khi cha mẹ mất mới lấy được chồng. Tuy nhiên, không lâu sau đó người chồng của cô cũng từ giã cõi đời và cô đã thề sẽ không tái giá đến hết đời. 

Thế nhưng đời vốn không như mơ, những kẻ hào cường cậy quyền thế thường xuyên đến quấy nhiễu cô. Do đó, cô bèn lập ra một am trên đỉnh núi, sau đó tự cạo đầu, tự làm thầy Cả và cùng đồng bộc giữ lòng tu tập. Sau khi được thành chánh quả, người đời mới lấy tên cô làm tên của ngọn núi đó – núi Thị Vải.

Núi Thị Vải là ngọn núi có ngôi chùa ni sớm nhất của vùng đất này
Núi Thị Vải là ngọn núi có ngôi chùa ni sớm nhất của vùng đất này

Cách di chuyển tới núi Thị Vải

Từ TP HCM, bạn có thể đến núi Thị Vải bằng xe khách hoặc phương tiện cá nhân theo cung đường sau:

  • Xe máy/xe ô tô: Điện Biên Phủ → Quốc lộ 51 → Phú Mỹ → siêu thị Co.opmart Tân Thành → đường Trường Chinh → núi Thị Vải.
  • Xe khách: quốc lộ 51 → thị trấn Phú Mỹ → quốc lộ 81 → núi Thị Vải. Mức giá sẽ dao động từ 90.000 – 120.000 VNĐ/người.

Lưu ý, đoạn đường gần tới núi Thị Vải chủ yếu là đường đá dăm, do đó bạn cần chạy xe thật cẩn thận. Hoặc, bạn có thể gửi xe ở nhà dân dưới chân núi, sau đó bắt đầu hành trình trekking lên núi.

Kinh nghiệm leo núi Thị Vải an toàn nhất

Cần chuẩn bị gì trước khi leo núi Thị Vải?

Do hành trình leo núi Thị Vải Vũng Tàu không quá khó khăn nên bạn chỉ cần mang theo những vật dụng như: giày thể thao/giày trekking chuyên dụng, balo du lịch, áo chống nắng, thuốc xịt côn trùng, kem chống nắng, đồ ăn nhẹ, nước uống,…

Ngoài ra, nếu có kế hoạch cắm trại qua đêm tại núi Thị Vải, bạn nên chuẩn bị thêm những đồ dùng như: túi ngủ/lều, tấm lót túi ngủ, bếp nướng thịt, cồn khô, khay vỉ nướng, đồ ăn,…

Hướng dẫn leo núi Thị Vải Vũng Tàu chi tiết 

Để tới được cổng trời của núi Thị Vải, bạn cần trải qua ít nhất 3 chặng: chân núi → chùa Hồng Phúc → chùa Linh Sơn Bửu Thiền → cổng trời Thị Vải.

  • Chặng 1: Từ chân núi tới chùa Hồng Phúc

Ngay sau khi gửi xe tại chân núi Thị Vải, bạn cần trải qua 747 bậc thang đá để đến được chùa Linh Sơn Hồng Phúc (chùa Trung) – ngôi chùa linh thiêng tại Vũng Tàu. Do đó, bạn có thể tranh thủ vào hành hương, tham quan hoặc nghỉ ngơi trước khi tiếp tục cuộc hành trình phía trước.

Bên cạnh đó, cứ cách 200 – 300 bậc thang, bạn sẽ thấy có số thứ tự ở góc phải đường đi. Đây là điểm báo nghỉ và cho biết bạn đang đi đúng đường. Vì vậy, nếu thấy mệt, hãy cứ ngồi nghỉ ngơi và uống nước một chút bạn nhé!

Du khách cần đi qua chùa Hồng Phúc trước khi đến đỉnh núi Thị Vải
Du khách cần đi qua chùa Hồng Phúc trước khi đến đỉnh núi Thị Vải

Ngoài ra, theo kinh nghiệm leo núi Thị Vải của chúng tôi, bạn nên khởi hành vào lúc sáng sớm, bởi lúc này tiết trời vẫn còn khá mát mẻ, giúp quá trình di chuyển được thuận lợi, suôn sẻ hơn.

  • Chặng 2: Từ chùa Hồng Phúc tới Linh Sơn Bửu Thiền

Sau khi đã hành hương tại chùa Hồng Phúc, bạn có thể tiếp tục hành trình trekking đến chùa Linh Sơn Bửu Thiền. Tại chặng đường này, bạn sẽ bắt gặp Hang Tổ ở bậc thứ 1100, tuy nhiên bạn chỉ được phép ngắm cảnh và tham quan bên ngoài, tuyệt đối không được vào bên trong!

Khi đến bậc thứ 1200 cũng là lúc bạn đã đến tới cổng Linh Sơn Cổ Tự (chùa Linh Sơn Bửu Thiền) – một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu, được thiết kế chủ yếu với tông đỏ trầm đan xen với nhiều họa tiết điêu khắc tinh xảo.

Do đó, ngay sau khi đặt chân tới công chùa Linh Sơn Bửu Thiền, bạn sẽ phải choáng ngợp trước lối kiến trúc độc đáo vào không khí trong lành, thoáng đãng tại đây!

Chùa Linh Sơn Bửu Thiền cực độc đáo trong phong cách Nhật Bản
Chùa Linh Sơn Bửu Thiền cực độc đáo trong phong cách Nhật Bản

Ngoài ra, vì Linh Sơn Bửu Thiền được tọa lạc ở trên cao nên nếu đứng từ phía chính diện nhìn ra cổng, bạn sẽ ngắm nhìn được trọn vẹn cảnh đồng ruộng đan xen với những ngôi nhà bình dị phía xa xa.

  • Chặng 3: Từ Linh Sơn Bửu Thiền đến cổng trời Thị Vải

Để đi đến cổng trời Thị Vải từ chùa Linh Sơn Bửu Thiền, bạn cần đi vòng ra phía sau lưng chùa và đi vào con đường nhỏ nằm cạnh cây đa cổ thụ. Đi được một đoạn, bạn sẽ thấy có 1 tảng đá rất lớn và có 3 ngã rẽ bên cạnh. Lúc này bạn cần rẽ sang bên phải và đi men theo đường mòn để đến được cổng trời.

Nghe tên gọi “cổng trời” có vẻ mỹ miều, thế nhưng thực chất nơi đây chỉ là 2 tảng đá lớn ước tính cao khoảng 7 – 8m, chụm vào nhau thành hình chữ V và có lối đi nhỏ ở giữa. 

Ngay sau cổng trời, bạn sẽ thấy một chòi nghỉ nhỏ được dựng lên. Từ đây, nếu tiếp tục đi thêm vài chục mét nữa là bạn đã tới đỉnh núi Thị Vải ở Vũng Tàu rồi đó!

Lưu ý, đoạn đường từ Linh Sơn Bửu Thiền lên tới cổng trời phần lớn đều là những bậc đá dễ trơn trượt, do đó bạn cần hết sức cẩn thận, đi chậm và chú ý tránh các tảng rêu trên đá!

Nên làm gì tại núi Thị Vải

  • Thử sức mình với 1340 bậc đá

Mặc dù chỉ cao khoảng 750m so với mặt nước biển, thế nhưng để lên đến đỉnh núi Thị Vải, bạn cần trải qua 1340 bậc thang đá cùng lối đi vòng vèo khoảng 3km. 

Tuy đoạn đường này khá dài, thế nhưng bạn có thể nghỉ chân ở bất cứ thời điểm nào, cảnh vật xung quanh cũng sẵn sàng xoa dịu cơn mệt mỏi của bạn bất kỳ lúc nào với những lá xanh khẽ đung đưa, những cơn gió mát vi vu từng đợt.

Cảnh vật dọc đường lên núi đã xóa đi phần nào mệt nhoài trên các bậc thang đá
Cảnh vật dọc đường lên núi đã xóa đi phần nào mệt nhoài trên các bậc thang đá
  • Tham quan 3 ngôi chùa linh thiêng trên Núi Thị Vải

Một trong các hoạt động đặc sắc nhất nơi đây chính là đến thăm 3 ngôi chùa cổ, có niên đại hơn 100 năm tuổi: chùa Hạ (Linh Sơn Liên Trì), chùa Trung (Linh Sơn Hồng Phúc) và chùa Thượng (Linh Sơn Bửu Thiền hoặc chùa Tổ).

Khi đến 3 ngôi chùa này, du khách không chỉ được hành hương, lễ Phật, thưởng thức không khí trong lành, mát mẻ mà còn rèn luyện được sức khỏe và lưu giữ lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp với thiên nhiên, núi rừng.

Núi Thị Vải có nhiều góc chụp xứng đáng được ví như “chốn Bồng lai tiên cảnh”
Núi Thị Vải có nhiều góc chụp xứng đáng được ví như “chốn Bồng lai tiên cảnh”
  • Cắm trại 

Nếu đã đến núi Thị Vải để tham gia trekking, bạn chắc chắn không nên bỏ lỡ hoạt động cắm trại trên núi. 

Khi cắm trại, bạn vừa có thể ngắm được cảnh đẹp bên dưới với góc nhìn cực “chill”, vừa có thể quây quần bên gia đình, bạn bè và ăn uống, trò chuyện dưới khoảng trời mênh mông, thoáng đãng; xóa tan toàn bộ ưu phiền, tâm tư nơi phố thị phồn vinh.

  • Ăn chay

Sau khi đã đến được cổng trời và tham quan một lượt các ngôi chùa cổ, bạn có thể quay lại chân núi để nghỉ ngơi và đặt đồ ăn trưa. Các món ăn ở đây chủ yếu là đồ ăn chay, được chế biến khá thơm ngon và đẹp mắt, chắc chắn bạn phải thử một lần khi tới núi Thị Vải.

XEM THÊM: Núi Trầm ở đâu? #5 kinh nghiệm phượt núi Trầm Chương Mỹ Hà Nội

Những lưu ý quan trọng khi đến núi Thị Vải

Sau khi đã biết núi Thị Vải ở đâu, núi thị Vải cao bao nhiêu, nên làm gì tại núi Thị Vải,… để có một chuyến đi thật trọn vẹn, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Trong quá trình leo núi, chắc chắn bạn sẽ phải đi qua các ngôi chùa linh thiêng, do đó bạn hãy lựa chọn những bộ trang phục lịch sự, kín đáo và tuyệt đối không mặc váy ngắn hay quần short nhé!
  • Nên sử dụng sneaker hoặc giày trekking chuyên dụng để quá trình di chuyển được thuận lợi hơn, tránh phỏng chân, đau chân do di chuyển nhiều.
  • Do địa hình trên núi Thị Vải phần lớn là đồi núi, rừng hoang sơ nên khó tránh khỏi việc gặp phải động vật hoang dã hoặc côn trùng, do đó bạn cần mang theo thuốc và một vài vật dụng y tế cần thiết như: urgo, thuốc sát trùng, bông, gạc,…
  • Tuyệt đối không nên trêu chọc khỉ núi vì chúng rất dễ gây nguy hiểm cho con người.
  • Nếu qua đêm trên núi, bạn cần chú ý giữ gìn vệ sinh xung quanh lều trại, không gây ồn ào.

Trên đây là toàn bộ thông tin về núi Thị Vải ở đâu, cách di chuyển và kinh nghiệm leo núi Thị Vải được muahangdambao.com đúc kết lại. Hy vọng bạn sẽ có một chuyến đi thật trọn vẹn, vui vẻ và bổ ích!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *