Đăng cai là gì? Ý nghĩa của đăng cai là gì? Đất nước Việt Nam chúng ta đã vinh dự đăng cai những sự kiện thể thao, hội nghị quốc tế nổi bật nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Đăng cai là gì?
Đăng cai là động từ chỉ việc một đơn vị, quốc gia nào đó đứng ra chịu trách nhiệm, theo sự phân công lần lượt, tổ chức vật chất một sự kiện gì đó có nhiều người hoặc nhiều tổ chức tham gia.
Ví dụ như: Đăng cai hội nghị, sự kiện thể thao, giải đấu, thế vận hội,…(có nhiều nước tham gia).
Ý nghĩa của đăng cai là gì?
Một tổ chức hay quốc gia nào đó được quyền đăng cai sự kiện chắc chắn phải có điều kiện cơ sở vật chất tốt, nhận được tín nhiệm cao. Bởi vậy, việc được đăng cai tổ chức một sự kiện nào đó thể hiện niềm vinh dự và hãnh diện vô cùng. Đi đôi với niềm tự hào khi được đăng cai sự kiện là cả những áp lực và trọng trách phải làm sao để sự kiện được tổ chức thành công nhất.
Việc một quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện đem lại rất nhiều lợi ích về tài chính, kinh tế, cơ sở hạ tầng và những ích lợi khác. Lợi ích kinh tế mang lại từ việc đăng cai tổ chức các sự kiện là rất đáng kể. Đó chính là nguồn động lực lớn để phát triển nền kinh tế.
Xem thêm: Kinh tế vi mô là gì? Phân biệt giữa kinh tế vi mô và vĩ mô
Một số sự kiện thể thao tiêu biểu Việt Nam đăng cai
- Đại hội Thể thao Đông Nam Á diễn ra vào năm 2003. Đây là kỳ SEA Games lần thứ 22 được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 5 đến 13 tháng 12 năm 2003. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games.
- Đại hội thể thao trong nhà Châu Á 2009 (Asian Indoor Games 2009) diễn ra tại Hà Nội và một số địa phương khác của Việt Nam từ ngày 30 tháng 10 – 8 tháng 11 năm 2009.
- Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á 2016 (2016 Asian Beach Games) diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 24 tháng 9 đến ngày 3 tháng 10 năm 2016.
- Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12 – ngày 23 tháng 5 năm 2022
Trong tương lai Việt Nam đang xây dựng và mở rộng sân thi đấu ở các địa phương nên còn rất nhiều cơ hội đăng cai thêm nhiều đại hội thể dục thể thao lớn khác trong khu vực, xa hơn là quốc tế.
Một số hội nghị quốc tế Việt Nam đăng cai
- Hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2006
Năm APEC 2006 có trọng tâm là Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra từ ngày 12 đến 19-11-2006 tại Thủ đô Hà Nội chính là hoạt động đối ngoại lớn nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức thời bấy giờ. Việc đăng cai Hội nghị APEC 2006 là vinh dự và niềm tự hào của Việt Nam, đồng thời là đóng góp lớn của Việt Nam vào tiến trình phát triển của APEC, thể hiện hình ảnh và vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
- Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU-132) năm 2015
Sau khi Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) diễn ra thành công tại Việt Nam, đồng loạt các báo chí, trang mạng các nước trên thế giới vẫn liên tục có nhiều tin, bài về IPU -132 với phần lớn là những bài viết ca ngợi công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam
- Diễn đàn APEC 2017
Mặc dù đã khép lại nhưng sự thành công của Hội nghị cấp cao APEC 2017 vẫn là điều người ta nói tới đầu tiên khi nhắc về sự kiện này tại Việt Nam,. Trong đó, bạn bè quốc tế ghi nhận và dành nhiều lời khen ngợi cho công tác tổ chức, chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam cũng như những hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị APEC
Từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Cộng hòa Chile Michelle Bachelet Jeria,…cùng nhiều nhà lãnh đạo các nước thành viên khác đã đồng loạt đánh giá rất cao công tác tổ chức của Việt Nam.
“Việt Nam đã làm tất cả để hội nghị diễn ra một cách hiệu quả và thành công. Các vấn đề được thảo luận cũng rất thực tế và được các nền kinh tế thành viên đặc biệt quan tâm”, Tổng thống Vladimir Putin nhận xét.
Có thể nói, Diễn đàn APEC 2017 là minh chứng cho một sự kiện thành công lớn, thấy được sự quan tâm đến Hội nghị và khả năng tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam, góp phần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng.
- Hội nghị GMS-6 và CLV-10
Tiếp nối thành công của Hội nghị APEC 2017, việc Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia lần thứ 10 (CLV-10) và Hội nghị hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của nước ta. Đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với cơ chế hợp tác liên kết khu vực.
Đây là một trong những sự kiện đa phương lớn nhất được đăng cai tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018 với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu, 200 tập đoàn, doanh nghiệp và gần 300 phóng viên các cơ quan báo đài.
Bên cạnh đó, nhiều phiên thảo luận chuyên đề hấp dẫn tại hội nghị đã thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, học giả, các tổ chức tài chính và những doanh nhân trong khu vực.
- Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018)
Đây là sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm 2018, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) được đăng cai tại Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Các tiểu ban đã hoạt động, phối hợp nhịp nhàng, đầy trách nhiệm, quyết liệt và sáng tạo.
- Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên–Hoa Kỳ tại Hà Nội 2019 ( DPRK–USA Hanoi Summit Vietnam)
Hội nghị thượng đỉnh CHDCND Triều Tiên–Hoa Kỳ đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh hai ngày đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa kinh tế, chính trị của 2 quốc gia Mỹ – Triều Tiên, giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, được tổ chức tại Khách sạn Metropole tại Hà Nội, Việt Nam ngày 27 và 28 tháng 2 năm 2019. Đây là cuộc gặp lần thứ hai giữa các nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hoa Kỳ, sau cuộc gặp đầu tiên vào năm 2018 tại Singapore.
Chương trình nghị sự thành công khi tìm ra chiến lược đột phá trong các cuộc đàm phán bị cản trở của Triều Tiên với Mỹ và giải pháp phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên
- Hội nghị Cạnh tranh ASEAN lần thứ 9 (ACC)
Hội nghị Cạnh tranh ASEAN lần thứ 9 (ACC) diễn ra từ ngày 1 – 2/12/2021 tại Hà Nội theo hình thức cả trực tuyến và trực tiếp…Chủ đề chính của hội nghị là thúc đẩy môi trường cạnh tranh khu vực ASEAN sau đại dịch Covid 19
Đây là sự kiện cạnh tranh quan trọng của Nhóm chuyên gia cạnh tranh ASEAN (AEGC), nhằm tạo ra một diễn đàn cạnh tranh cho đại diện cơ quan quản lý cạnh tranh các nước ASEAN, cộng đồng doanh nghiệp, giới nghiên cứu đến từ khu vực,…
Có thể nói, quyền đăng cai vừa thể hiện niềm tự hào nhưng cũng gắn liền với trách nhiệm. Với kinh nghiệm đã tích lũy được trong vai trò nước chủ nhà đăng cai nhiều sự kiện quốc tế trong những năm trở lại đây, Việt Nam ngày càng thể hiện được bản lĩnh, vị thế của một quốc gia đang trên đà phát triển, được các quốc gia hàng đầu trên thế giới tin tưởng lựa chọn để đăng cai thêm nhiều sự kiện quan trọng, thể hiện vai trò đóng góp tích cực vào việc tạo dựng và đảm bảo nền hòa bình khu vực và thế giới.