Từ tượng hình từ tượng thanh là gì trong tiếng việt? Cho ví dụ & bài tập

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp từ tượng hình từ tượng thanh trong văn học cũng như đời sống hàng ngày. Tuy nhiên không phải ai cũng biết từ tượng hình từ tượng thanh là gì đâu nhé! Hãy để muahangdambao.com giúp bạn phân tích ý nghĩa của loại từ này trong bài viết chi tiết dưới đây nhé!

Từ tượng hình là gì?

“Tượng” trong tiếng Hán có thể được hiểu là mô phỏng còn “hình” ở đây chính là để chỉ những hình ảnh cụ thể. Do đó, “từ tượng hình” là những từ được dùng để gợi tả, mô phỏng về hình dáng, kích thước, trạng thái của 1 sự vật, hiện tượng hoặc con người.

Từ tượng hình và từ tượng thanh là gì?
Từ tượng hình và từ tượng thanh là gì?

Ví dụ 1: Những từ tượng hình gợi tả về vóc dáng, kích thước như là: Mũm mĩm, mập mạp, gầy gò, cao lênh khênh, béo ục ịch,… Hay dùng để mô tả về vẻ bề ngoài của vật như: Lực lưỡng, be bé, dong dỏng, cao cao…

Từ tượng thanh là gì?

Cũng tương tự như với cách giải nghĩa của từ tượng hình thì tượng trong tượng thanh chính là sự mô phỏng lại còn thanh là âm thanh, giai điệu. Chính vì thế, tượng thanh là dạng từ được dùng để mô phỏng âm thanh xuất phát từ thiên nhiên, động vật và cả con người.

VD từ tượng thanh: Để diễn tả âm thanh tiếng mưa rơi, người ta sẽ sử dụng các từ tượng thanh như: rào rào, ào ào, rầm rầm, lộp độp, tí tách. Để mô tả âm thanh của tiếng gió thì là: xào xạc, lao xao…  m thanh con người tạo ra khi cất tiếng cười là: Hi hi, hehe, ha ha, khanh khách, hắc hắc, khúc khích…  m thanh xuất phát từ thiên nhiên như tiếng nước chảy: Róc rách. Còn tiếng chim hót là ríu rít, tiếng vịt kêu cạp cạp, tiếng gà gáy o o…

Ví dụ cụ thể hơn về từ tượng thanh, từ tượng hình

Để giúp các bạn có thể hiểu rõ hơn về khái niệm từ tượng hình, từ tượng thanh trong tiếng Việt. Chúng tôi sẽ đưa ra những ví dụ minh họa tiêu biểu giúp các bạn nắm chắc hơn kiến thức:

Ít nhất 5 từ tượng thanh: Râm ran (tiếng ve kêu), the thé (tiếng hét), thủ thỉ (tiếng nói thầm của người), xào xạc, rì rào, vi vu (tiếng gió thổi). Ríu rít, líu lo, lanh lảnh (tiếng chim kêu). Ào ào, rào rào (tiếng sông suối chảy). Ầm ầm, đì đùng (tiếng sấm chớp).

Từ tượng hình: Lòe loẹt, sặc sỡ (chỉ màu sắc). Thướt tha, lom khom, lừ đừ, lênh khênh, thon thả (chỉ dáng người). Tất bật, thoăn thoắt, rón rén, lò dò, thất tha thất thểu (từ tượng hình miêu tả dáng đi).

Ví dụ cụ thể về từ tượng hình và tượng thanh
Ví dụ cụ thể về từ tượng hình và tượng thanh

Xem thêm: Trường từ vựng là gì? Ví dụ & bài tập trường từ vựng lớp 8

Tác dụng của từ tượng thanh, từ tượng hình

Từ tượng hình và tượng thanh được sử dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày mà đôi khi chính chúng ta cũng không thể nhận ra. Vậy thì tác dụng chính của biện pháp tu từ này là gì? Cùng tìm hiểu kỹ hơn bằng những ví dụ trực quan ngay sau đây:

  • – Cả từ tượng thanh lẫn từ tượng hình đều có tác dụng quan trọng nhất là mang lại sự biểu cảm, phong phú, sinh động hơn trong sự diễn đạt của người nói và người viết. Đặc biệt ở trong văn miêu tả, từ tượng thanh và từ tượng hình sẽ giúp mọi thứ được hiện ra thật tự nhiên, sống động như thật và mang tới nhiều sắc thái hơn.
  • – Chính vì vậy chúng ta có thể đưa ra khẳng định rằng các loại từ này sẽ tạo nên sự đặc sắc và các giá trị nghệ thuật cho các tác phẩm. Trong giao tiếp, từ tượng hình tượng thanh sẽ giúp câu nói của bạn trở nên màu sắc và ấn tượng hơn, lôi cuốn được người nghe vào câu chuyện.
Bài thơ “Thu điếu” sử dụng rất nhiều từ tượng thanh, tượng hình
Bài thơ “Thu điếu” sử dụng rất nhiều từ tượng thanh, tượng hình

Ví dụ: Ở trong bài thơ “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến, tác giả đã dùng các từ tượng thanh, tượng hình để làm bài thơ của mình giàu giá trị biểu cảm hơn

  • – Các từ tượng thanh như: đưa vèo trong câu “lá vàng trước ngõ khẽ đưa vèo” hay đớp động trong câu “cá đâu đớp động dưới chân bèo”.
  • – Các từ tượng hình: Trong veo, sóng biếc, gợn tý, tẻo teo, vắng teo, xanh ngắt,…

Tất cả những từ tượng hình tượng thanh mà Nguyễn Khuyến sử dụng trong đoạn thơ đã làm tăng thêm tính biểu cảm, biểu đạt cho ngôn ngữ đồng thời làm miêu tả được trở nên cụ thể và sinh động hơn rất nhiều. Bởi vì đa số các từ tượng thanh, tượng hình đều là những từ láy.

Ngoài ra hai loại từ này còn giúp cho khả năng miêu tả, diễn tả cảnh vật, con người, thiên nhiên xung quanh được chi tiết, thực tế và đa dạng hơn nhiều so với việc chỉ miêu tả chung chung không có điểm nhấn cụ thể.

Lưu ý: Như đã nói ở trên thì đa số các từ tượng thanh, tượng hình đều là từ láy, nhưng tất cả từ láy không phải tất cả đều là tượng thanh hoặc tượng hình. Đôi khi 2 loại từ này có thể sẽ không phải là từ láy. Hơn nữa, bạn cũng không nên quá lạm dụng từ tượng thanh, tượng hình vào văn viết hay giao tiếp hàng ngày vì nếu quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung truyền đạt cũng như tính nghệ thuật của tác phẩm.

Xem thêm:Nghĩa tường minh và hàm ý là gì? Ý nghĩa & cách sử dụng chuẩn nhất

Bài tập về từ tượng hình, từ tượng thanh

Bài 1: Tìm những từ tượng thanh mang theo âm thanh của con người và đặt câu với chúng.

Lời giải:

– Các từ tượng thanh mang âm thanh của con người sẽ bao gồm: Ha ha, khúc khích, thủ thỉ, thều thào, thút thít, ha hả, ừng ực, phì phò,…

– Đặt câu với 1 vài từ tượng thanh mới tìm được:

  • + Em bé được nghe mẹ kể chuyện thì cười khúc khích không ngừng
  • + Hai chị em lâu ngày mới được gặp lại nhau, nay có dịp thì thủ thỉ nói chuyện mãi không dứt.
  • + Bé Quỳnh không được mẹ mua đồ chơi mới nên dỗi và trốn ra góc tường khóc thút thít một mình.
  • + Chương trình gặp nhau cuối tuần khiến cả gia đình tôi cười ha hả suốt cả buổi tụ họp cuối tuần.
  • + Sau khi hoàn thành bài thi chạy tiếp sức, Long quá khát nước nên uống ừng ực hết cả 1 chai.
  • + Bà nội bị ốm nên chỉ thều thào được những câu nói không rõ ràng.

Bài 2: Tìm những từ tượng hình chỉ dáng đi của con người rồi đặt câu với các từ tượng hình đó.

Lời giải:

 Những từ tượng hình chỉ dáng đi của con người: Lon ton, lom khom, thất thểu, rón rén, thoăn thoắt, lừ đà lừ đừ.

 Đặt câu:

  • + Bé Hà vừa được mẹ mua cho đồ chơi mới đã chạy lon ton khắp xóm để khoe với bạn bè.
  • + Ông ngoại tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi nên dáng đi có phần lom khom, xiêu vẹo.
  • + Buổi trưa, Quang không ngủ mà rón rén ra khỏi nhà trốn mẹ đi chơi.
  • + Sau một ngày làm việc vất vả tại công ty, tôi thất thểu quay về nhà trong trạng thái mệt mỏi.
  • + Từ xa đã thấy bố về, Thu thoăn thoắt chạy nhanh về nhà báo tin cho mẹ.
  • + Tuấn bị điểm kém trong giờ kiểm tra Toán hôm nay nên dọc đường về nhà cứ lừ đừ cả người, mất hết tinh thần.

Bài 3: Viết 1 đoạn văn ngắn có sử dụng các từ tượng thanh và tượng hình. Sau đó, chỉ ra các từ tượng thanh và tượng hình đó.

Một số từ tượng hình miêu tả dáng đi thường gặp
Một số từ tượng hình miêu tả dáng đi thường gặp

Bài làm: Mùa thu trên quê hương thường mang lại cho tôi một cảm giác thoải mái nhất. Với tiết trời miền Bắc thì có lẽ mùa thu sẽ là mùa của những cơn gió vi vu và lá bay. Trên mọi nẻo phố, góc đường lá rơi xào xạc, tạo nên những âm thanh nghe thật là vui tai. Thêm vào đó là những làn gió thu mát mẻ trong veo, nhẹ nhàng khẽ lướt qua khiến làn tóc của 1 cô gái nhẹ tung trong gió. Trên những tán lá cây, mấy chú chim đang đua nhau hót líu lo vang lừng cả khu phố nhỏ. Đám trẻ con ngày nào trên đường đi học về cũng tíu tít rủ nhau ra đầu ngõ chơi nhảy dây, bắn bi. Những bước chân lon ton, những tiếng nói cười khanh khách làm vang dội cả 1 khung trời. Đó là tất cả những thứ khiến tôi thêm yêu mùa thu quê hương đến vậy.

  •  Từ tượng hình: trong veo, lon ton.
  •  Từ tượng thanh: xào xạc, líu lo, tíu tít, khanh khách.

Hy vọng rằng bài viết này của chúng tôi đã giúp người đọc hiểu được từ tượng hình từ tượng thanh là gì để sử dụng sao cho hợp lý nhất trong cuộc sống hàng ngày.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *