Cuộc đời và sự nghiệp Johann Sebastian Bach – nhà soạn nhạc thiên tài

Chắc hẳn những người yêu âm nhạc không ai không biết đến cái tên Johann Sebastian Bach. Hãy cùng tìm hiểu khái quát về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của nhà soạn nhạc vĩ đại này trong bài viết sau đây nhé!

Cuộc đời và sự nghiệp của Johann Sebastian Bach

Johann Sebastian Bach (21/3/1685 – 28/7/1750) là nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức đồng thời là nghệ sĩ organ, vĩ cầm, đại hồ cầm và đàn harpsichord thời kỳ Baroque (1600 – 1750).

Nhà soạn nhạc vĩ đại Johann Sebastian Bach
Nhà soạn nhạc vĩ đại Johann Sebastian Bach

Bach sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Cha ông là giám đốc nhà hát của thị trấn, chú là người dạy ông chơi vĩ cầm và lý thuyết âm nhạc căn bản, các chú bác đều là nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Ông mồ côi mẹ năm 1694 và cha ông cũng qua đời sau đó khoảng 8 tháng. Đến năm 10 tuổi, ông chuyển đến sống với anh trai cả, hiện đang là nghệ sĩ đàn organ tại nhà thờ Michael ở Ohrdruf, Saxe-Gotha-Altenburg. Tại đây, ông được học đàn Clavichord từ người anh và tiếp xúc với các tác phẩm nổi tiếng của các bậc thầy âm nhạc khác.

Năm 14 tuổi, ông được nhận học bổng của trường St Michael danh giá ở Lüneburg nhờ khả năng xướng âm. Tại đây, ông được hát trong ca đoàn, chơi đàn organ và harpsichord, có cơ hội tiếp xúc với con nhà quý tộc miền Bắc nước Đức, gặp gỡ những nghệ sĩ organ xuất sắc thời bấy giờ như Johann Adam Reincken.

Bach sớm nổi danh nhờ khả năng xướng âm
Bach sớm nổi danh nhờ khả năng xướng âm

Tháng 1 năm 1703, sau khi tốt nghiệp, Bach giữ một vài vị trí chuyên trách âm nhạc trên nước Đức như: Giám đốc âm nhạc cho Leopold, Hoàng tử Anhalt- Köthen; nhạc trưởng ở nhà thờ St Thomas tại Leipzig; nhà soạn nhạc cung đình cho vua August III.

Năm 1706, Bach tham gia chơi đàn organ cho nhà thờ St Blasius ở Mühlhausen. Bốn tháng sau, Bach kết hôn với Maria Barbara. Họ có với nhau bảy người con nhưng chỉ bốn người sống đến tuổi trưởng thành, trong đó Wilhelm Friedemann Bach và Carl Philipp Emanuel Bach đều là những nhà soạn nhạc xuất sắc.

Năm 1708, ông rời Mühlhausen trở lại Weimar, ông phụ trách vị trí vĩ cầm chính và đàn organ trong dàn nhạc hòa tấu tại cung điện công tước. Khoảng thời gian này ông bắt đầu soạn các bản hòa tấu và nhạc cho bộ gõ đồng thời sáng tác, trình diễn đàn organ và hòa tấu cho ban đồng diễn của công tước.

Năm 1717, ông làm Giám đốc âm nhạc cho Leopold, Hoàng tử xứ Anhalt-Köthen. Hoàng tử cũng là một nhạc sĩ nên rất trân trọng tài năng của Bach và đã trả lương hậu hĩnh để ông tự do sáng tác, trình diễn.

Ngày 7 tháng 7 năm 1720, vợ của Bach đột ngột qua đời khi ông đang ở nước ngoài với Hoàng tử Leopold. Năm sau, ông đã gặp Anna Magdalena Wilcke, một nữ ca sĩ tài năng nhỏ hơn ông 17 tuổi đang trình diễn tại triều đình ở Köthen và họ kết hôn vào ngày 3 tháng 12 năm 1721. Hai người có đến 13 người con nhưng chỉ có 6 người sống đến tuổi trưởng thành, trong đó có 3 người là những nhạc sĩ tài năng.

Cuộc sống gia đình Bach luôn tràn ngập âm nhạc
Cuộc sống gia đình Bach luôn tràn ngập âm nhạc

Năm 1723, Johann Sebastian Bach trở thành người phụ trách âm nhạc cho Trường St Thomas thuộc Nhà thờ St Thomas, đồng thời là giám đốc âm nhạc cho ba nhà thờ chính ở Leipzig. Ông phụ trách dạy hát cho học sinh trường St Thomas và soạn nhạc cho các nhà thờ chính ở Leipzig.

Tháng 3 năm 1729, ông nhận lời làm giám đốc Collegium Musicum, một chương trình trình diễn do nhà soạn nhạc Georg Philipp Telemann khởi xướng. Trong giai đoạn 1730-1740, Collegium Musicum đã trình diễn nhiều sáng tác của ông, trong đó có những bài Clavier-Übung (thực hành bộ gõ), hòa tấu violin và harpsichord.

Năm 1733, ông sáng tác Kyrie và Gloria trong Mass cung mi thứ. Sau khi trình bản thảo cho vua Ba Lan, ông nhanh chóng giành được sự tín nhiệm và được phong chức nhà soạn nhạc Hoàng cung.

Năm 1747, ông đến thăm triều đình Vua Friedrich II của Phổ tại Potsdam. Nhà vua chơi một đoạn nhạc và yêu cầu Bach sáng tác ngẫu hứng một khúc fugue dựa trên nền nhạc đó. Ông soạn liền ba khúc fugue và dâng lên một tác phẩm âm nhạc gồm những khúc fugue, canon và một trio dựa trên nền nhạc Vua Friedrich II đã chọn.

Tác phẩm cuối cùng của ông có tên “Vor deinen Thron tret ich hiermit”, là phần dạo đầu bài thánh ca cho organ, được đề tặng cho con rể Johann Christoph Altnickol.

Bach để lại di sản âm nhạc đồ sộ cho đời sau
Bach để lại di sản âm nhạc đồ sộ cho đời sau

Ngày 28 tháng 7 năm 1750, Johann Sebastian Bach qua đời, hưởng thọ 65 tuổi.

Ông đã để lại di sản gồm 5 cây đàn Harpsichord, 2 cây đàn hạc cầm, 3 cây đàn vĩ cầm, 2 cây đàn đại hồ cầm, 2 cello, 1 viola da gamba, một đàn lute và một đàn spinet và 52 quyển “sách thiêng”, trong đó có tác phẩm của Martin Luther, Josephus.

Ông được an táng tại nghĩa trang Old St John ở Leipzig. Phần mộ đã bị lãng quên trong gần 150 năm cho đến năm 1894 thì được dời đến nhà thờ St John. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ngôi giáo đường bị quân Đồng minh ném bom và đến năm 1950, di hài của ông được chôn cất tại Nhà thờ St Thomas ở Leipzig.

 

 

Ảnh hưởng của Johann Sebastian Bach đối với nền âm nhạc

Sinh thời, ông được trọng vọng như một nghệ sĩ organ tài năng nhưng mãi đến nửa đầu thế kỷ 19, Bach mới được công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại. Ngày nay, ông được coi là một trong những nhà soạn nhạc có tầm ảnh hưởng lớn nhất của thời kỳ Baroque đồng thời là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất từ trước đến nay.

Bach được coi là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất
Bach được coi là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất

Tài năng của ông đã khiến cả Mozart, Beethoven, Felix Mendelssohn, Chopin và Robert Schumann phải ngưỡng mộ. Thậm chí, L.Beethoven đã gọi ông là “ông tổ của hòa âm”.

Là một tín đồ của Chúa và am hiểu tường tận Kinh thánh, ông đã dùng nguyên văn Kinh thánh bằng tiếng Đức làm lời ca trong nhiều tác phẩm của mình. Chính vì vậy, Bach được coi là người viết Phúc âm thứ năm, “nhà thần học viết bằng những phím đàn” vì âm nhạc với ông còn là tôn giáo nữa.

Bach đã đưa các kỹ thuật âm nhạc như tẩu khúc (fugue) và đối điểm (counterpoint) lên trình độ cao nhất. Với kỹ năng điêu luyện trong đối âm, hòa âm và tiết tấu cũng như khả năng điều tiết hình thái, nhịp điệu và bố cục âm nhạc của Pháp, Ý, ông đã góp phần làm giàu thêm nền âm nhạc Đức.

 m nhạc của Bach chứa đựng nội dung sâu sắc về trí tuệ và sự lắng đọng của cảm xúc. Trong tác phẩm của mình, ông đã khéo léo kết hợp nghệ thuật âm nhạc quá khứ và hiện tại, nhạc dân gian, thế tục và nhạc giáo hội, chuyên nghiệp.  m nhạc của Bach được coi như cuốn từ điển sống về âm nhạc châu  u thế kỷ XVII – XVIII.

Johann Sebastian Bach tác phẩm nổi tiếng có thể kể đến như: Mass cung Si thứ, Brandeburg Concertos, The Well-Tempered Calvier… và các bản cantata, hợp xướng, các tác phẩm dành cho đàn organ, nhạc giao hưởng, thính phòng…

Ngày 21/3/2019, Johann Sebastian Bach xuất hiện trên Google Doodle nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 334 của ông.

Johann Sebastian Bach được Google Doodle vinh danh
Johann Sebastian Bach được Google Doodle vinh danh

Để tưởng nhớ và vinh danh tài năng của ông, Google Doodle đã thiết kế một trải nghiệm tương tác âm nhạc đặc biệt với sự trợ giúp của Trí tuệ nhân tạo (AI). Trải nghiệm mới mẻ này đã biến người dùng trở thành “nhà soạn nhạc”, khuyến khích mỗi người tự sáng tác một giai điệu ngẫu hứng.

 

 

Qua bài viết trên đây chắc hẳn các bạn đã biết Johann Sebastian Bach là ai đúng không? Hy vọng những chia sẻ này đã giúp các bạn hiểu thêm về con người và di sản âm nhạc đồ sộ ông đã để lại cho nhân loại nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *