CV là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong hồ sơ xin việc giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Hãy cùng muahangdambao.com tìm hiểu CV là gì và cách viết chuyên nghiệp trong bài viết sau đây nhé!
CV là gì?
CV (Resume) viết tắt là Curriculum Vitae xuất phát từ tiếng Latinh có nghĩa là sơ yếu lý lịch. Tuy nhiên, đây không phải là tờ khai lý lịch tự thuật như trong tiếng Việt.

CV là bản tóm lược thông tin của ứng viên bao gồm trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, các chứng chỉ, thành tích, kỹ năng mềm… gửi đến nhà tuyển dụng.
Thay vì CV viết tay, hiện nay các ứng viên thường gửi CV bản mềm qua mạng trước cho đơn vị tuyển dụng. Nếu CV được chấp nhận thì ứng viên sẽ được mời tham gia buổi phỏng vấn trực tiếp và mang theo CV bản cứng sau.
Tại sao phải viết CV?
Nhà tuyển dụng không có thời gian để phỏng vấn hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ứng viên. Do đó, bên cạnh chứng chỉ, bằng cấp thì CV giới thiệu bản thân đầy đủ, ấn tượng chính là yếu tố quan trọng thu hút nhà tuyển dụng đầu tiên. CV giúp họ nhận diện bạn giữa hàng ngàn hồ sơ của các ứng viên tiềm năng khác.

Thông qua CV, nhà tuyển dụng sẽ xem xét, đánh giá và lựa chọn các ứng viên phù hợp với công việc nhất để tham gia vòng phỏng vấn. Chính vì vậy, bạn cần đặc biệt chú trọng vào khâu viết CV để “ghi điểm” trong mắt người tuyển dụng.
CV bao gồm những gì?
Thông tin cá nhân
Đây là các thông tin cơ bản về bạn bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, thông tin liên hệ (địa chỉ, số điện thoại, email…). Đừng quên thêm ảnh chính diện của bạn nếu công việc yêu cầu yếu tố ngoại hình.
Mục tiêu nghề nghiệp
Bạn cần nêu ra định hướng về con đường phát triển của bản thân trong tương lai, bao gồm mục tiêu ngắn hạn hoặc dài hạn. Mục tiêu nên liên quan đến vị trí, công việc đang ứng tuyển để tăng tính thuyết phục với nhà tuyển dụng và thể hiện tinh thần cầu tiến của mình.

Trình độ học vấn
Bạn liệt kê các thông tin như tên trường đại học/cao đẳng/trung cấp, chuyên ngành, thời gian đào tạo, điểm trung bình của toàn khóa học, điểm các chuyên ngành chính liên quan đến vị trí ứng tuyển.
Ngoài ra, bạn có thể nêu thêm các nghiên cứu khoa học, đề án, khóa học về kỹ năng, nghiệp vụ để gây ấn tượng nhé.
Kinh nghiệm làm việc
Bạn lựa chọn và kể tên các công ty, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đã làm việc, trong đó nêu rõ vị trí, chuyên môn, mô tả công việc chính, theo thứ tự thời gian từ gần đây nhất trở về trước và không nên đưa các công việc ngắn hạn (dưới 6 tháng) vào trong CV.
Kỹ năng
Bạn liệt kê các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cũng như các kỹ năng mềm được tích lũy và rèn luyện trong quá trình học tập và làm việc. Chú ý lựa chọn các kỹ năng liên quan đến vị trí ứng tuyển.
Sở thích/Hoạt động ngoại khóa
Bạn kể tên các công tác học sinh – sinh viên, hoạt động cộng đồng, chương trình thiện nguyện đã tham gia kèm vai trò, trách nhiệm và thành tựu (nếu có) của mình. Ngoài ra, bạn có thể trình bày thêm một số sở thích liên quan đến vị trí ứng tuyển.
Một số lưu ý khi viết CV
- Sử dụng email nghiêm túc, thường bao gồm họ tên của mình để tạo sự chuyên nghiệp như: nguyenthianhajc@gmail.com, tranquangminh97@gmail.com…, không dùng các loại email như: hoangtube@yahoo.com, cobemuadong@gmail.com, vippro9x@gmail.com…
- Lựa chọn ảnh trực diện khuôn mặt của bạn và trang phục lịch sự (áo sơ mi).
- CV ngắn gọn, súc tích với độ dài từ 1–2 trang và trình bày có cấu trúc rõ ràng, font chữ, cỡ chữ dễ nhìn, bôi đậm các phần quan trọng, các điểm nhấn đặc biệt để gây sự chú ý với nhà tuyển dụng. Chú ý thêm các từ khóa trong mô tả công việc (JD) ứng tuyển vào CV để tăng tính thuyết phục.

- Định dạng CV: bạn nên xuất ra file PDF để đảm bảo hiển thị không bị lỗi, tránh dùng file Word hoặc file thiết kế khiến nhà tuyển dụng không mở được hoặc bị lỗi font chữ.
Các sai lầm cần tránh khi viết CV
Sai lỗi chính tả và ngữ pháp
Các lỗi như sai chính tả, ngữ pháp, lỗi đánh máy là không thể chấp nhận được trong một bản CV. Điều này sẽ gây ấn tượng xấu đối với nhà tuyển dụng, họ sẽ đánh giá bạn là người cẩu thả, thiếu đầu tư cho CV và vị trí ứng tuyển. Do đó, nhớ kiểm tra kỹ CV trước khi gửi cho đơn vị tuyển dụng nhé!

Ngoài ra, cần chú ý đến ngôn ngữ của CV, nếu công việc yêu cầu khả năng ngoại ngữ thì bạn nên gửi CV bằng thứ tiếng đó.
Ví dụ, vị trí tuyển dụng yêu cầu tiếng Nhật thì bạn phải gửi CV bằng tiếng Nhật chứ không được gửi CV tiếng Việt.
Font chữ không phù hợp
Để CV của mình nổi bật giữa hàng ngàn CV khác, nhiều bạn đã bỏ công trang trí thật bắt mắt với nhiều loại font chữ, màu sắc. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thiết kế khiến nhà tuyển dụng rối mắt, khó đọc và loại ngay CV của bạn. Bạn không nên trình bày CV quá sặc sỡ, không dùng quá 3 màu và 3 font chữ nhé!
Dài dòng, không đúng trọng tâm
Nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian để đọc kỹ từng CV, do đó bạn hãy viết một CV online đơn giản, tập trung vào một số từ khóa chính về kỹ năng, kinh nghiệm làm việc thôi nhé.

Không nên trình bày dài dòng, lan man về tất cả công việc từng làm, kỹ năng không liên quan đến vị trí ứng tuyển vì điều này có thể trở thành điểm trừ trong CV.
Không trung thực
Nhà tuyển dụng có nhiều cách để kiểm chứng thông tin, do đó hãy đảm bảo mọi thông tin trong CV của bạn đều chính xác.
Đặc biệt, tránh dùng từ ngữ quá khoa trương, “đao to búa lớn” vì có thể phản tác dụng, khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ tính chân thực của CV.
Tổng hợp một số CV online mẫu chuyên nghiệp
Tham khảo mẫu CV cho người chưa có kinh nghiệm, CV sinh viên mới ra trường, CV cho sinh viên thực tập:

Tham khảo mẫu CV nhân viên kinh doanh:

Tham khảo mẫu CV hành chính nhân sự:

Tham khảo mẫu CV kế toán:

Tham khảo mẫu CV lập trình viên, CV junior developer:

Tham khảo mẫu CV kỹ sư xây dựng:

Tham khảo mẫu CV kiến trúc sư:

Trên đây là khái niệm CV là gì cùng tổng hợp thông tin liên quan. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết các bạn đã biết cách viết một CV chuyên nghiệp và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng nhé!