Chơi chữ là gì? Tìm hiểu về các lối chơi chữ thường dùng

Chơi chữ nhằm thể hiện khả năng biến hóa ngôn từ đầy khéo léo và nghệ thuật của một người nào đó. Trên thực tế, chơi chữ không hề dễ khi nó đòi hỏi sự lanh lẹ và tinh thông kiến thức sâu rộng. Vậy thì chơi chữ là gì? Có những lối chơi chữ nào quen thuộc? Sau đây sẽ là những kiến thức xoay quanh vấn đề này, cùng theo dõi với muahangdambao.com các bạn nhé.

Chơi chữ là gì?

Theo định nghĩa chơi chữ ngữ văn 7 thì đây là cách biến hóa ngôn từ khéo léo kết hợp với tính nghệ thuật của người Việt Nam ta. Nó thường được sử dụng khá phổ biến trong thơ ca chính thống và ca dao, tục ngữ gắn liền với cuộc sống đời thường của người dân. Chơi chữ là lợi dụng những đặc sắc về âm và nghĩa để làm các câu thơ, lời văn thêm phần dí dỏm, trào phúng và có tính giáo dục cao hơn.

Chơi chữ tiếng Việt là gì?
Chơi chữ tiếng Việt là gì?

Ví dụ chơi chữ các bạn có thể tham khảo

Để các bạn có thể hiểu hơn thế là chơi chữ, dưới đây là một số ví dụ cụ thể:

Ví dụ 1:

“Anh về nhà câu rạo anh đi/ Mai sau trải lẻ ta hãy kết đôi”

Các từ được chơi chữ bao gồm: câu rạo chính là hành động cạo râu, trải lẻ chính là trẻ lại. Có thể hiểu đơn giản là cô gái đang nhắc anh chàng về cạo râu đi cho trẻ rồi hãy tính đến chuyện yêu đương với nhau.

Ví dụ 2:

“Con cá đối bỏ bên trong cối đá/ Con mèo cái nằm ở trên mái kèo.”

Các từ được chơi chữ ở đây là cá đối – cối đá và mèo cái –  mái kèo. Mục đích của câu này chỉ đơn giản là tạo sự vần điệu cũng như nét hài hước cho người nghe cảm thấy hứng thú mà thôi.

Ví dụ 3:

“Mênh mông muôn mẫu một màu mưa

Mỏi mắt miên man mãi mịt mờ.”

Cả câu này được tính là sử dụng biện pháp tu từ chơi chữ khi chữ “m” được lặp lại xuyên suốt trong cả câu, tạo cảm giác thú vị trong cách nói.

Xem thêm: Từ đồng âm là gì? Đồng nghĩa là gì? Từ trái nghĩa là gì? Cho ví dụ

Tìm hiểu về các lối chơi chữ thường dùng hiện nay

Theo tìm hiểu thì hiện nay có 5 lối chơi chữ hiện đại, bao gồm: Chơi chữ dùng từ đồng âm, dùng từ gần âm, dùng điệp âm, chơi chữ nói lái và cách dùng từ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa. Sau đây, chúng ta hãy cùng nhau đi sâu tìm hiểu thêm về các lối chơi chữ này nhé!

Chơi chữ bằng cách dùng những từ đồng âm với nhau

Đây là cách chơi chữ sử dụng nhiều từ đồng âm giống nhau nhưng lại khác nhau về nghĩa. Có thể nói, đây là cách chơi thông dụng nhất.

Ví dụ: Mồm bò (1) nhưng lại không phải mồm bò (2) mà thực ra lại là mồm bò (3).

Dùng các từ đồng âm để chơi chữ cũng là cách được dùng rộng rãi
Dùng các từ đồng âm để chơi chữ cũng là cách được dùng rộng rãi

Ba từ “ bò” mà chúng tôi đã đánh dấu ở trên đều có nghĩa khác nhau gồm:

  • Bò (1): Động từ, ý chỉ mồm của con vật đó đang trườn bò trên mặt đất.
  • Bò (2): Danh từ, phủ nhận lại bò (1), có nghĩa là nó không phải là mồm của con bò.
  • Bò (3): Động từ, có nghĩa là hành động bò của con vật đó trên mặt đất.

Từ những dữ kiện trên, ta có thể suy ra đây chính là loài ốc sên.

Chơi chữ bằng cách dùng các từ gần âm

Đây là lối chơi chữ sử dụng những từ gần giống nhau chỉ khác nhau đôi chút về dấu câu nhưng lại có ý nghĩa khác nhau hoàn toàn.

Ví dụ: “Có tài mà cậy chi tài / Chữ tài liền với chữ tai một vần”

Hai từ gần âm trong câu trên là “tài” và “tai”. Cách chơi chữ này có tác dụng là để chỉ những người có tài sắc vẹn toàn nhưng lại thường gắn với những tai ương, những gian truân vất vả, cả cuộc đời không được hạnh phúc. Có một câu tục ngữ mà cha ông ta thường dùng cũng có ý nghĩa tương tự là “Hồng nhan bạc mệnh”.

Chơi chữ bằng cách sử dụng điệp âm

Đây là lối chơi chữ hay được lưu truyền trong dân gian bởi chúng thường được sử dụng trong đời sống hằng ngày của người dân cũng như trong các bài hát, tục ngữ, ca dao có tác dụng tạo tính hài hước, thú vị. Hoặc cách chơi chữ điệp ngữ âm này còn được sử dụng khá nhiều trong các câu đối.

  • Ví dụ 1: Bà bảy béo, bán bánh bèo, bên bờ biển, bị beo bắt bớ ba bốn bận
  • Ví dụ 2: Tết tới túng tiền tiêu, tính tính toán toán toan tìm tay tử tế

Có thể thấy, cách chơi chữ bằng điệp âm này không có ẩn ý gì cả mà chủ đích của người nói chỉ là muốn câu văn của mình được hay và hài hước hơn mà thôi.

Cách chơi chữ nói lái

Nói lái ở đây có thể được hiểu nghĩa là nói ngược. Bởi vì sự thú vị của nó mà cách chơi chữ này được sử dụng rất nhiều ở trong giới trẻ hiện nay. Các từ thường dùng để nói lái trong giao tiếp như là: Bí mật thành bật mí, hiện đại thành hại điện, đầu tiên thành tiền đâu,… Rất thú vị đúng không nào?

Một câu nói lái thú vị về tình yêu
Một câu nói lái thú vị về tình yêu

Ví dụ: “Khi đi cưa ngọn mà khi về cũng cưa ngọn?”

Đây là một câu đố dân gian sử dụng cách nói lái vì “cưa ngọn” ở đây có nghĩa là con ngựa. Nếu bạn tinh ý sẽ phát hiện ra đáp án ngay thôi.

Chơi chữ dùng các cặp từ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa

Ví dụ 1: Chơi chữ sử dụng 2 từ trái nghĩa

“Trăng bao nhiêu tuổi thì trăng già?

Núi bao nhiêu tuổi sẽ gọi là núi non?”

Hai từ trái nghĩa ở đây chính là già và non.

Ví dụ 2: Chơi chữ sử dụng 2 từ gần nghĩa với nhau

“Nửa đêm giờ tý canh tư

Vợ tôi con gái, đàn bà nữ nhi.”

Hai cặp từ gần nghĩa được nhắc đến trong câu là con gái, nữ nhi, vợ và đàn bà.

Ví dụ 3: Chơi chữ dùng các từ đồng nghĩa

“Đi tu thì Phật bắt ăn chay

Thịt chó ăn được còn thịt cầy thì không”.

Hai từ đồng nghĩa ở đây là chó và cầy. Cách nói này để lên án những người giả dối.

Giới thiệu một số cách chơi chữ khác có thể bạn chưa biết

Ngoài 5 cách chơi chữ phổ biến mà chúng ta thường sử dụng kể trên thì các lối chữ sau tuy ít sử dụng nhưng các bạn cũng cần ghi nhớ để khi làm bài tập sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ, bao gồm:

Lối chơi chữ sử dụng những từ có cùng trường nghĩa với nhau

Ví dụ: “Con kiến đậu cành cam bò quấn quýt. Ngựa đến làng Bưởi thì chạy lanh chanh.”

Cách chơi chữ ở đây là dùng các từ có cùng trường nghĩa với nhau gồm: Quýt, cam, bưởi, chanh là các loài hoa quả cùng họ với nhau.

Lối chơi chữ dùng các từ có nhiều nghĩa

Ví dụ:

“Còn trời còn nước thì còn non

Còn cô bán rượu anh vẫn còn say sưa.”

Cách chơi chữ trong câu ca dao nói trên chính là từ “ say sưa”, chúng ta có thể hiểu là chàng trai này đang mê đắm yêu thích cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời như trời, non, nước nhưng lại cũng có thể hiểu rằng chàng trai này cũng say mê sắc đẹp, vẻ duyên dáng, quyến rũ của cô nàng bán rượu.

Chơi chữ bằng cách dùng chiết tự

Đây là một kiểu từ Hán Việt được sử dụng trong các bài thơ ca thời xưa, loại này tương đối khó nhận biết nếu bạn không phải là người có nhiều kiến thức về từ điển Hán Nôm.

Xem thêm: Nghĩa tường minh và hàm ý là gì? Ý nghĩa & cách sử dụng chuẩn nhất

Cách chơi chữ trong giao tiếp hàng ngày của người Việt

Sở dĩ thú chơi chữ trong dân gian lại có thể phát triển cho tới thời hiện đại là nhờ tính hài hước, dí dỏm, thông minh cũng như sâu sắc vốn có của nó. Người Việt với cách kết hợp từ tài tình cùng chất liệu ngôn từ vô cùng phong phú đã biến chơi chữ trở thành một nét đẹp nghệ thuật không phải ngôn ngữ nào cũng có. Trước khi được đi vào văn chương thì thuật chơi chữ đã thường xuất hiện trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân.

Chơi chữ hiện được giới trẻ sử dụng khá nhiều trong những câu chuyện phiếm
Chơi chữ hiện được giới trẻ sử dụng khá nhiều trong những câu chuyện phiếm

Mục đích của thói quen chơi chữ trong giao tiếp hàng ngày chính là để tạo ra những tiếng cười sảng khoái bằng sự bất ngờ vô cùng thú vị trong các biến thể của ngôn ngữ. Người Việt Nam chúng ta đều có khả năng chơi chữ theo lối “ứng khẩu” tự nhiên, theo những cách khác nhau mà không cần phải học bài bản.

Hy vọng những thông tin trên đây đã có thể giúp các bạn hiểu được các câu chơi chữ là gì, có những lối chơi chữ phổ biến nào, ứng dụng trong làm bài tập và ứng khẩu trong giao tiếp nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *